Chấn thương khớp gối khi chơi thể thao: Xem nhẹ, bệnh sẽ nặng!
Chấn thương trong lúc chơi thể thao là điều thường xảy ra khi bị va chạm mạnh hoặc trượt ngã, hoặc động tác sai tư thế. Nhiều người dù có cảm giác đau khi vận động nhưng vẫn xem nhẹ, bỏ qua vì thấy vẫn đi lại, luyện tập bình thường. Đến khi thấy đau thốn, cử động khó khăn mới viện đến bác sĩ, thường thì đã quá trễ.
Chấn thương gần chục năm mới đến gặp bác sĩ
Ngày 24.11, bệnh nhân Nguyễn Thành Luân, 24 tuổi, ở Quy Nhơn, được các bác sĩ tại Khoa Ngoại Kỹ thuật cao, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn) phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối. Bệnh nhân Luân nói: “Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ mới xong vì bác sĩ bảo đầu gối tôi bị tổn thương nhiều quá, vỡ sụn, dây chằng chéo trước bị đứt, họ còn gắp ra đưa cho tôi hai mảnh xương vỡ nằm trong khớp đã lâu, vốn gây nên cảm giác bị thốn đau, kêu lục cục khi cử động”..
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Kế Lạc hướng dẫn bệnh nhân Đào Văn Tú cách thức luyện tập sau phẫu thuật. Ảnh: THU HÀ
Luân là dân thể thao bán chuyên nghiệp, ban đầu chơi xe đạp đua, sau chuyển sang chơi bóng đá 5 người. Quá trình vận động, luyện tập, anh bị tổn thương gối trái, đi chụp X - quang bác sĩ bảo chân không bị gãy, bó băng thun vẫn có thể chạy, chơi bóng tốt nên... “quên” luôn. Cha của Luân kể thêm: “Mấy năm trước, tôi dẫn con đi khám bác sĩ tư, ông ấy xem phim bảo không sao đâu, rồi chích thuốc trực tiếp vào nơi đau song chỉ đỡ một thời gian. Gần đây, thấy chân trái con khó duỗi thẳng, ngồi xuống đứng lên rất vất vả, chỉ bằng 8/10 so với chân phải, đi chụp MRI mới phát hiện đầu gối tổn thương nghiêm trọng”.
Bệnh nhân Đào Văn Tú, 50 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát, cũng phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối cùng ngày với Luân, nhưng đơn giản hơn vì tổn thương chưa nghiêm trọng. Ông Tú kể, năm 2004, tôi trượt ngã khi chơi bóng chuyền. Nhờ thầy võ mằn thấy đỡ, điều kiện gia đình chưa cho phép, tôi cho qua luôn, vẫn đi lại, chơi bóng chuyền như thường. Nhưng từ năm 2014 đến nay, tôi chỉ mang được dép lê đế thấp, không mang giày cao được nữa vì đau thốn...
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Kế Lạc, Trưởng khoa Ngoại - Kỹ thuật cao, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết, đây là hai ca chấn thương điển hình trong khi chơi thể thao do chủ quan để lâu bệnh tiến triển nặng hơn. Với bệnh nhân Luân, tuy được phẫu thuật nội soi, lấy gân tự thân để tái tạo dây chằng trước khớp gối, nhưng xương sụn lồi cầu đùi và mâm chày ngoài đã bị tổn thương. Nếu tổn thương sụn khớp không hồi phục, không cấy ghép sụn khớp hoặc tế bào gốc, sau này ở khoảng ngoài tuổi 40, anh Luân sẽ có thể phải thay khớp gối do bị thoái hóa khớp (hư khớp).
Xem nhẹ, bệnh sẽ càng nặng
Theo bác sĩ Lạc, tổn thương như đứt dây chằng, tổn thương sụn chêm ở khớp gối thường gặp phải ở những người hay chơi thể thao, vận động nhiều. Nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ không để lại hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, trong 4 tuần đầu kể từ lúc bị thương, nếu sụn chêm bị rách, bác sĩ sẽ khâu lại được, nhưng càng đến trễ, khả năng phục hồi lại càng thấp.
Bác sĩ Lạc giải thích, khớp gối có 4 dây chằng quan trọng làm vững khớp gối. Khi khớp gối bị tổn thương, trong khi dây chằng bên trong và dây chằng bên ngoài khi bị đứt có thể tự lành được (tùy vào mức độ tổn thương) thì dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau lại không thể. Do đó, bệnh nhân cần phải được phẫu thuật để tái tạo giữ vững khớp gối, nếu không khớp gối sẽ bị lỏng lẻo. Tuy nhiên, nhiều người vì thấy vẫn đi lại, vận động được, chỉ thấy hơi đau khi vận động mạnh hoặc lên xuống cầu thang nên chủ quan, đến khi không chịu được nữa, đến bác sĩ thì lúc này tổn thương khớp đã rất nghiêm trọng. Hai sụn chêm bị dập vỡ, sụn xương khớp gối bị hư, về sau dễ bị thoái hóa khớp gối sớm, buộc phải phẫu thuật thay khớp mới có thể đi lại, vận động được.
“Cách đây hai hôm, chúng tôi đã mổ nội soi dây chằng khớp gối cho một bệnh nhân cũng bị chấn thương khi chơi thể thao. Bệnh nhân này bị đứt một nửa dây chằng, chúng tôi đã phẫu thuật tái tạo phần bị hư tổn và bảo toàn phần còn nguyên vẹn. Đây là phương pháp điều trị mới được áp dụng tại bệnh viện. Nhờ được phát hiện và phẫu thuật kịp thời nên khả năng phục hồi của bệnh nhân này là rất cao”, bác sĩ Lạc nói thêm. Ông cũng khuyến cáo, sau khi phẫu thuật khớp gối, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định tập luyện của bác sĩ. Ca phẫu thuật thành công chỉ là một nửa quãng đường, phần còn lại là do sự cố gắng tập luyện của bệnh nhân. Luyện tập đúng, kiên trì sẽ cho hiệu quả tích cực, khôi phục chức năng đi lại, vận động bình thường của khớp gối.
THU HÀ
Chương trình luyện tập sau phẫu thuật khớp gối
Được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (0-6 tuần): Bệnh nhân cần tập dạng khép háng, tập lên gân cơ cẳng chân, gấp duỗi cổ chân, day bánh chè, tập gấp gối thụ động đến 900 (có người đến đỡ), tập gấp duỗi cổ chân. Trong 2 tuần đầu, bệnh nhân luôn đeo nẹp kể cả khi đi lại cũng như ngủ, sau đó có thể bỏ ra trong lúc ngủ.
- Giai đoạn 2 (7 - 9 tuần): Mục đích nhằm phục hồi dáng đi bình thường, duy trì duỗi gối, nhất là duỗi thẳng và bắt đầu tập các động tác liên hoàn. Bệnh nhân tập xuống tấn đến 450, 2 tay vịn tường, giữ trong 30 giây sau đó đứng thẳng, tập kiễng chân mỗi ngày. Mỗi động tác tập 3 lần, mỗi lần 10-15 phút.
- Giai đoạn 3 (2 - 6 tháng): Mục đích tăng cường sức mạnh của các khối cơ để chuẩn bị cho các hoạt động chức năng. Tiếp tục các bài tập mềm dẻo, đi xe đạp, tập leo cầu thang, tránh duỗi gối quá mức, tập sức mạnh các khối cơ: ngồi xổm trên 1 chân, xuống tấn thấp có mang thêm tạ nhẹ, tập bơi.
- Gia đoạn 4 (6 - 9 tháng): Nhằm tăng cường sức mạnh cơ, tập các bài tập để trở lại các hoạt động chức năng. Bệnh nhân tiếp tục tập các bài tập mềm dẻo và tăng cường sức mạnh, tập bài tập hỗ trợ tùy theo mục tiêu cụ thể của bệnh nhân (chơi bóng rổ, bóng đá...), tập các bài tập chức năng mà không bị hạn chế như đi bộ, chạy tiến, lùi và bắt đầu tập các bài tập kỹ năng của môn thể thao.
(Trích Hướng dẫn tập luyện của Khoa Ngoại - Kỹ thuật cao, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa)