5 năm thực hiện giảm nghèo bền vững:
Góp phần thay đổi bộ mặt vùng đặc biệt khó khăn
Với mục tiêu, mỗi năm giảm 2% tỉ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh và 4 - 5% tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã luôn chú trọng các chính sách giảm nghèo, tạo bước chuyển thực sự trong đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua, Đoàn công tác liên Bộ gồm đại diện các bộ: KH&ĐT, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, GT-VT, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng Giảm nghèo bền vững Trung ương do ông Hoàng Văn Vịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT) - làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Đây là dịp để tỉnh nhà có nhìn nhận, đánh giá xác thực về công tác giảm nghèo 5 năm qua.
Điện và đường bê tông đã về nhiều xã vùng sâu vùng xa.
- Trong ảnh: Điện và đường bê tông đã về với làng Kà Nâu ở xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh.
Đời sống hộ nghèo, cận nghèo thay đổi tích cực
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, sau 5 năm triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, đời sống của một bộ phận hộ nghèo đã được cải thiện nhiều mặt. Về thu nhập, đến năm 2015, thu nhập hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh tăng gấp 2 lần so với năm 2010; thu nhập của hộ nghèo ở huyện nghèo tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Dự kiến, đến cuối năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt 46,04%.
Mặt khác, hộ nghèo cũng được tiếp cận với các dịch vụ xã hội thiết yếu thông qua các chính sách giáo dục, y tế, pháp luật... Một bộ phận lớn người dân ở vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ thẻ BHYT; tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân tại các vùng này đạt và vượt tỉ lệ chung toàn tỉnh. Việc hỗ trợ gạo, chi phí học tập cho học sinh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giảm bớt khó khăn cho các gia đình, giúp con em yên tâm đến trường. Đến 2014, đã có 91,1% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, và dự kiến đạt 95% trong năm 2015. Chính sách trợ giúp pháp lý đã được triển khai sâu rộng, tập trung ưu tiên các xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, nâng cao nhận thức pháp luật và niềm tin của người dân với Nhà nước.
Tại các vùng đặc biệt khó khăn, các chính sách hỗ trợ đặc thù cũng phát huy hiệu quả rất tốt. Việc lồng ghép các chính sách, dự án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a; các chính sách cho vùng đồng bào thiểu số; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo... đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng nghèo, xã nghèo. Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi... đã được hoàn thiện, tạo điều kiện cho sản xuất và đời sống người dân. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp về phát triển sản xuất đã tạo chuyển biến trong kinh tế nông thôn.
Mặt khác, chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã của huyện nghèo và Dự án thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc huyện nghèo đã góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đồng thời, giúp cấp ủy, chính quyền xã trong điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương; xây dựng nguồn cán bộ bổ sung vào lực lượng lãnh đạo quản lý trong tương lai.
Đường từ trung tâm xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh về “làng chiến lược” O2 vẫn là đường rừng.
- Trong ảnh: Người dân làng O2 gùi hàng cứu trợ băng rừng, vượt núi về làng.
Đẩy mạnh hơn trong hỗ trợ huyện nghèo
Bên cạnh những hiệu quả, việc triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn qua cũng cho thấy nhiều hạn chế. Đơn cử là tỉ lệ hộ nghèo và tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh không đồng đều.
Tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão vẫn đang ở mức cao. Hộ thoát nghèo ở miền núi, vùng sâu vùng xa có nguy cơ tái nghèo cao vì định cư trong những vùng không thuận lợi về điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Hiện nay, nhiều xã, thôn, làng trên địa bàn các huyện nghèo còn cách trở vì điện, đường chưa đến nơi; tập quán sinh sống, trình độ dân trí của người đồng bào thiểu số còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo.
Muốn thoát nghèo, điện và đường cần phải đi trước đón đầu thì bà con mới có thêm cơ hội giao thương, phát triển, sản xuất mới được kích thích
Ông TRẦN HỮU BIÊN, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh
Nói về những khó khăn trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện An Lão, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, trao đổi: “Khó khăn về nguồn lực đầu tư đang là rào cản đối với công cuộc giảm nghèo ở huyện nghèo. Ví dụ, An Lão hiện đã giao khoán 21.000 ha rừng cho bà con bảo vệ. Vừa rồi, Chính phủ nâng mức hỗ trợ lên 400 ngàn đồng/ha/năm nhưng khi phân bổ về địa phương chỉ chuyển về khoảng 8 tỉ đồng, khiến chúng tôi gặp khó khăn trong hỗ trợ người dân”.
Ông Trần Hữu Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh kiến nghị Trung ương cần thay đổi các định mức hỗ trợ cho người nghèo sao cho phù hợp với mức sống hiện nay. Chẳng hạn, định mức hỗ trợ khai hoang, tạo diện tích đất sản xuất... so với mức sống hiện nay là quá thấp. “Vân Canh vẫn còn 5 làng (4 làng ở xã Canh Liên và 1 làng ở xã Canh Hiệp) chưa có đường bê tông và điện. Muốn thoát nghèo, điện và đường cần phải đi trước đón đầu thì bà con mới có thêm cơ hội giao thương, phát triển, sản xuất mới được kích thích”, ông Biên nhấn mạnh.
Cùng chung mối quan tâm về cơ sở hạ tầng cho những làng bản vùng sâu, vùng xa, ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh đề nghị các cơ quan Trung ương quan tâm hơn về việc đầu tư điện, đường cho “làng chiến lược” O2 (xã Vĩnh Kim). Nằm sâu trên ngọn núi, làng O2 có vị trí quan trọng trong bảo vệ rừng, an ninh trật tự. Đầu tư được điện, đường cho làng thì người làng mới có cơ hội thoát nghèo bền vững. Theo khảo sát, kinh phí làm đường về O2 khoảng 150 tỉ đồng, vượt quá khả năng của tỉnh…
NGUYỄN MUỘI