Tại sao không?
Sự phát triển kinh tế - xã hội kéo theo quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên tất cả các địa bàn dân cư là một xu thế tất yếu trong đời sống xã hội hiện đại. Với quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra, trong tương lai không xa đô thị sẽ là không gian sống của đa số dân cư hiện đang sống tại các vùng nông thôn.
Đô thị là nơi có hạ tầng kỹ thuật, kinh tế -xã hội như giao thông, điện nước, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, cơ sở sinh hoạt văn hóa, nhà ở… được đầu tư xây dựng khá đầy đủ và hiện đại, mang lại nhiều tiện nghi cho cuộc sống của mọi người.
Tuy nhiên, với đặc thù dân cư tập trung đông đúc, bị nhiều áp lực và tác động tiêu cực đến môi trường sống nên việc tổ chức cuộc sống cho cư dân đô thị có nhiều điểm khác biệt với nông thôn. Bên cạnh đó, do yếu tố lịch sử nên một bộ phận không nhỏ cư dân đô thị hiện nay xuất thân từ các vùng nông thôn, có nhiều tập quán, thói quen, nếp sống của cư dân nông thôn không phù hợp với môi trường sống của đô thị.
Có một thực tế khá nhức nhối ở các đô thị hiện nay, trong đó có thành phố Quy Nhơn và các thị xã, thị trấn trong tỉnh, là tình trạng rác vứt bừa bãi, nước thải bẩn chảy tràn ra đường…, không chỉ tạo nên hình ảnh phản cảm về môi trường, cảnh quan mà thực sự còn là những yếu tố tác động tiêu cực, suy giảm chất lượng sống của dân cư tại các đô thị.
Vì vậy, việc xây dựng đô thị hiện đại về vật chất phải đi đôi với việc xây dựng lối sống văn minh nhằm hướng đến mục tiêu chung nhất là mang lại cuộc sống an toàn, thoải mái và tốt nhất cho cư dân đô thị. Tuy nhiên, sẽ chẳng bao giờ có được một đô thị văn minh nếu cộng đồng cư dân đô thị không tự ý thức về việc chung tay, chung sức xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp của chính mình; đồng thời, cũng sẽ chẳng bao giờ có được một đô thị văn minh nếu mỗi người dân không bắt tay cùng làm từ những việc đơn giản như không vứt rác ra đường, hay cao hơn là sự chia sẻ, đùm bọc hỗ trợ nhau trong cuộc sống...
Rõ ràng, việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đô thị hóa, là “đòn bẩy” để xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tiến trình này cần có sự “vào cuộc” tích cực của đa số dân cư để ý thức xây dựng đô thị văn minh trở thành nếp nghĩ, việc làm thường xuyên của mọi cá nhân, tổ chức. Có thể nói sự tham gia tích cực, tự giác của mọi người dân và các tổ chức chính là điều kiện mang tính quyết định cho sự thành công trong việc xây dựng cộng đồng văn minh và nếp sống văn minh đô thị bên cạnh vai trò “nhạc trưởng” của chính quyền.
Vậy thì “tại sao không?”.
Hải đăng