Ngăn ngừa và giảm thiểu TNLÐ trong hoạt động sản xuất, xây dựng: Cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người lao động
Thời gian qua, tình trạng tai nạn lao động (TNLÐ) ở tỉnh ta vẫn thường xuyên diễn ra. Hầu hết các vụ TNLÐ đều rơi vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH quy mô nhỏ. Và vấn đề làm sao để đảm bảo an toàn cho người lao động (NLÐ) đến nay chưa được các ngành chức năng, người sử dụng lao động cũng như chính người lao động quan tâm đúng mức.
Nhiều DN để xảy ra TNLĐ
Theo ghi nhận chính thức của phòng Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ TNLĐ chết người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ 2014). Đơn cử là các vụ tai nạn xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Như Quỳnh, Công ty CP Đường Bình Định, Xí nghiệp đá 380 (Công ty CP Phú Tài), Công ty TNHH Tấn Thành… Tuy vậy, con số thực tế còn có thể lớn hơn số lượng mà phòng Thanh tra Sở LĐ-TB&XH ghi nhận được. Ngoại trừ các trường hợp gây chết người hoặc có nhiều người bị thương, có người bị thương nặng được báo về Thanh tra LĐ-TB&XH, các trường hợp TNLĐ còn lại thường được xử lý theo thỏa thuận. Khi xảy ra TNLĐ, chủ doanh nghiệp (DN) và thân nhân người bị tai nạn thường tự thỏa thuận, xử lý; chính quyền địa phương cũng không theo dõi và nắm bắt hết được.
Nhìn nhận về thực trạng này, ông Võ Đình Thọ, chuyên viên phòng Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, bày tỏ: Tình trạng chạy theo tiến độ, sản phẩm, chưa quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động còn khá phổ biến ở các DN, nhất là những DN ngoài quốc doanh, DN đã chuyển sang cổ phần. Số lao động tự do chưa được huấn luyện một cách có hệ thống về công tác an toàn lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn lao động còn hạn chế, chưa đầy đủ, nhất là những DN mới đi vào hoạt động. Với những DN vừa và nhỏ, tư nhân hoặc hộ cá thể do vốn đầu tư ít, gặp khó khăn về tài chính... nên cũng ít quan tâm điều kiện bảo hộ lao động; môi trường làm việc của người lao động chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt là số cuộc thanh tra, kiểm tra còn quá ít.
Còn ông Đặng Thanh Trưng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, thẳng thắn cho biết: “Thực tế thời gian qua cho thấy, TNLĐ tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, cầu đường và thủy lợi, mà nguyên nhân chính là do các DN sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ quy định về bảo hộ lao động. Từ đầu năm 2015 đến nay, qua kiểm tra trên các công trình xây dựng của tỉnh, chúng tôi đã phát hiện và nhắc nhở 64 trường hợp vi phạm không trang bị đủ đồ bảo hộ lao động; đồng thời, xử phạt 1 đơn vị với số tiền 25 triệu đồng”.
Cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người lao động
Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, hầu hết các vụ TNLĐ đều có thể phòng tránh được, điều cốt yếu là nâng cao nhận thức từ cả phía người lao động và người sử dụng lao động. Về phía DN, cần xác định rõ việc đảm bảo an toàn lao động cho người lao động là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và được đầu tư xứng đáng về tài chính và nhân lực. Người sử dụng lao động cần quản lý chặt chẽ các quy trình thực hiện an toàn lao động.
Đề cập về công tác này, ông Đặng Thanh Trưng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, đề xuất: Các DN khi tiếp nhận người lao động vào làm việc cần tổ chức huấn luyện về an toàn lao động. Trong quá trình sản xuất, người lao động cần phải nêu cao tinh thần tự giác chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Đối với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp cận với các loại máy, thiết bị, vật tư luôn phải tập trung cao độ và chấp hành nghiêm ngặt những quy định về an toàn lao động.
Để ngăn ngừa TNLĐ, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc thanh tra, kiểm tra các DN có nhiều lao động giản đơn, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng về việc thực hiện an toàn lao động, việc ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội... Xử lý nghiêm đối với DN vi phạm, cố tình không thực hiện quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người lao động nếu chẳng may xảy ra tai nạn.
TÂM NHƯ