“Tâm tư ”... với bài chòi
Dẫu nỗ lực và tâm huyết, song Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đã không thể tiếp tục duy trì tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian, đành phải dừng từ tháng 8.2015. Hai năm qua, hoạt động này được “nuôi” chủ yếu bằng nguồn kinh phí lấy từ ngân sách hoạt động của Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn (và nguồn thu từ việc bán vé chơi Hội, song số này không đáng kể), hoàn toàn không có nguồn đầu tư, hỗ trợ nào khác, nay đơn vị tổ chức đã không thể “gồng mình” thêm.
Một điều ai cũng phải công nhận là, kể từ khi Dự án bảo tồn và phát huy Hội đánh bài chòi cổ được Sở VH-TT&DL thực hiện thành công năm 2010, Quy Nhơn là địa phương thực hiện tiên phong và mạnh mẽ nhất việc thường xuyên tổ chức diễn xướng trò chơi dân gian độc đáo này trên địa bàn, bên cạnh đó còn nỗ lực phát hiện, bồi dưỡng, tập huấn để có nhiều nghệ nhân (hiệu) trẻ cho tỉnh. Được biết, từ năm 2013, dù biết trước khó khăn đang chờ trước mắt vì phải “tự thân vận động” về kinh phí, song Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn vẫn quyết định tổ chức định kỳ Hội đánh bài chòi vào 3 buổi tối cuối tuần. Nhờ đó, người tâm huyết với bài chòi Bình Định cũng bớt nỗi ngậm ngùi mỗi khi nghĩ đến Hội An có hội đánh bài chòi thường xuyên, trong khi “bổn quán” của bài chòi lại không.
Từ câu chuyện Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn, câu hỏi đặt ra là phải chăng nỗ lực của Bình Định để bảo tồn, phát huy bài chòi - đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, lại “vướng” về nguồn lực tài chính. Bởi đầu tư một khoản kinh phí không quá lớn để duy trì tổ chức thường xuyên Hội đánh bài chòi ở Quy Nhơn bài bản; để chứng tỏ di sản “sống” trong lòng cộng đồng trên chính nơi được cho là quê hương của di sản, thì lại khó đến vậy?!
KHẢI THƯ