Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh 2015: Khơi sức sáng tạo giáo viên nghề
Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh năm 2015 được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua đã quy tụ nhiều mô hình, thiết bị chất lượng, có tính ứng dụng cao trong đời sống; góp phần tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, khơi sức sáng tạo trong đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh năm 2015 quy tụ 5 trường, trung tâm đào tạo nghề tham gia. Trong đó, có 2 đơn vị lần đầu tham gia Hội thi: Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định và Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn. Là những đơn vị dạy nghề “trẻ tuổi”, việc mạnh dạn đăng ký tham gia sân chơi hữu ích này thể hiện sự nỗ lực và nghiêm túc của những người làm công tác dạy nghề.
Anh Lê Đức An, giáo viên Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định, chia sẻ: “Đây là cơ hội lớn để những người đứng lớp dạy nghề như chúng tôi được trau dồi, cọ xát, học hỏi nhau. Dạy nghề khác với dạy văn hóa, bài giảng càng trực quan, cụ thể và thời gian thực hành càng nhiều thì học viên càng mau tiếp thu, ghi nhớ. Vậy nên, thiết bị dạy nghề có ý nghĩa quan trọng. Mô hình dàn trải hệ thống máy tính của chúng tôi ra đời cũng phục vụ cho mục đích đó”.
Tăng 5 thiết bị dự thi so với năm 2013 là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các trường về thiết bị dạy nghề. Đáng nói, 18 thiết bị dự thi đều tập trung chủ yếu vào 2 nhóm nghề: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông và công nghệ kỹ thuật cơ khí, xây dựng và máy tính - những nghề được Bộ LĐ-TB&XH chọn đầu tư xây dựng nghề trọng điểm ở các cấp độ: quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế giai đoạn 2012 - 2015. Điều này chứng tỏ sự nỗ lực của các trường, đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong đầu tư và cải tiến thiết bị đào tạo phục vụ cho công tác dạy và học các nghề trọng điểm.
Tuy nhiên, 18 thiết bị dự thi vẫn là con số khá khiêm tốn so với số trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Chưa kể, 13 thiết bị trong số này đến từ 2 trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn và Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ. Điều này cho thấy, phong trào tự làm thiết bị dạy nghề ở các trường nghề mới thành lập và các trung tâm dạy nghề vẫn còn khá hạn chế. Đồng thời, cũng cho thấy năng lực chuyên môn của giáo viên dạy nghề tại các đơn vị này chưa đáp ứng được công tác tự làm thiết bị.
“Cần đầu tư đúng mức trong bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giáo viên dạy nghề là việc cần thiết của các đơn vị dạy nghề nhằm cho ra đời nhiều thiết bị chất lượng. Bởi vì chỉ những người đang trực tiếp giảng dạy mới có thể cải tiến, sáng tạo ra những thiết bị phù hợp nhất với thực tế đào tạo”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Do khó khăn về kinh phí, Hội thi năm nay chưa thể mở rộng thêm các hoạt động như: hội thảo chuyên đề về nội dung tự chế tạo thiết bị dạy nghề, khai thác, đầu tư cho các thiết bị tự làm hoặc triển lãm các thiết bị dạy nghề của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết bị đào tạo có uy tín để lãnh đạo nhà trường, giáo viên dạy nghề, sinh viên có cơ hội học hỏi... Tuy nhiên, với việc chọn được 9 thiết bị để dự Hội thi thiết bị dạy nghề toàn quốc năm 2016, Hội thi năm nay đã làm tròn vai trò là chất “xúc tác” khơi dậy lòng đam mê, sức sáng tạo của giáo viên dạy nghề.
NGUYỄN MUỘI