Cảnh giác với tê tay không rõ nguyên do
Ban đầu cảm giác tê tay chỉ làm ta khó chịu. Theo thời gian, tình trạng tê nặng dần, xuất hiện teo cơ, ảnh hưởng đến chức năng vận động. Nhiều người không biết rằng nguyên nhân sâu xa là dây thần kinh trụ bị chèn ép - một chứng bệnh nguy hiểm, dễ dẫn đến mất hoàn toàn chức năng vận động.
Cách đây chừng 5 năm, ông Võ Văn B. (49 tuổi, ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) bắt đầu có cảm giác tê ở bàn tay trái, khó co gấp các ngón tay. “Những việc đơn giản như bưng chén cơm ăn, hay cài cái nút áo cũng thấy khó khăn”, ông B. kể. Thêm một điều đáng lo là mu bàn tay xuất hiện tình trạng teo cơ, các sợi gân sưng to.
Có bệnh vái tứ phương, ông B. chạy chữa nhiều nơi, châm cứu, bấm huyệt, uống đủ các loại cây lá thuốc rồi các loại cao… nhưng bệnh vẫn không đỡ, tay trái ngày càng khó vận động. Ngày 2.11, ông vào khám tại BVĐK tỉnh, được chỉ định chụp MRI. Tuy nhiên, kết quả chụp cho thấy cột sống cổ không có gì bất thường. Khai thác tiền sử bệnh nhân, được biết ông B. từng bị té ngã từ nhỏ, có biến dạng ở khuỷu tay trái. Loại trừ bệnh lý thần kinh trung ương, các bác sĩ nghĩ đến bệnh lý thần kinh ngoại biên nên cho bệnh nhân đo điện cơ (đo chức năng dây thần kinh bằng máy). Từ đó, xác định ông B. bị chèn ép dây thần kinh trụ tại khuỷu tay trái.
Ngày 10.11, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống thực hiện gây tê tại chỗ, phẫu thuật giải phóng chèn ép dây thần kinh trụ cho bệnh nhân Võ Văn B. Ca phẫu thuật do bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh và bác sĩ Lê Đức Thắng phụ trách, kéo dài trong 1 giờ. Bác sĩ Thắng cho biết, đây là một phẫu thuật không quá phức tạp, các bác sĩ chỉ cần dời vị trí dây thần kinh trụ bị chèn ép. Chỉ 1 ngày sau mổ, bệnh nhân Võ Văn B. đã có dấu hiệu cải thiện chức năng bàn tay, các ngón tay duỗi thẳng hơn trước đó. Tuy nhiên, những chuyển biến rõ rệt chỉ hiện rõ sau 3 tháng, bởi bệnh nhân mang bệnh trong thời gian dài.
Với ông Phan Văn B. (43 tuổi, ở xã An Hòa, huyện An Lão) - được phẫu thuật cùng ngày với ông Võ Văn B., khả năng hồi phục nhanh hơn do chỉ mới phát bệnh 2 tháng nay. Bệnh nhân này chỉ có cảm giác tê từ khuỷu đến ngón út và áp út bàn tay trái, chưa bị teo cơ, chưa bị hạn chế chức năng vận động.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh, nguyên nhân hàng đầu gây chèn ép dây thần kinh trụ cấp tính là chấn thương vùng có dây thần kinh trụ đi qua, như khuỷu, cổ tay. Với các trường hợp mạn tính, chủ yếu là do bệnh lý u bao hoạt dịch vùng cổ tay, hoặc do dày thân cơ vùng khuỷu tay gây nên tình trạng chèn ép. Để chẩn đoán chính xác chứng bệnh này cùng vị trí bị chèn ép, đo điện cơ đóng vai trò quan trọng nhất.
Với những trường hợp bị chèn ép dây thần kinh trụ thì việc đầu tiên là điều trị bằng thuốc. Cụ thể, làm cho thần kinh trụ thích nghi với tình trạng bị chèn ép và giải quyết sự chèn ép bằng dùng thuốc, đồng thời kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu. Với trường hợp bệnh nặng, phương pháp phẫu thuật giải phóng chèn ép sẽ được áp dụng. Sau mổ, bệnh nhân vẫn phải kiên trì tập luyện các phương pháp vật lý trị liệu, sử dụng các thuốc phục hồi thần kinh.
“Để nâng cao hiệu quả điều trị, bệnh nhân phải cảnh giác phát hiện sớm bệnh lý chèn ép dây thần kinh trụ. Khi có triệu chứng tê tay, mất cảm giác, rối loạn cảm giác dọc theo dây thần kinh trụ, đặc biệt là có hiện tượng teo cơ nhanh thì phải đi khám ở bệnh viện có chuyên khoa thần kinh. Để lâu không điều trị dễ dẫn đến mất hoàn toàn chức năng vận động, can thiệp sớm thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn”, bác sĩ Tịnh khuyến cáo.
Dây thần kinh trụ đi vòng phía sau mặt trong khuỷu tay và đi qua một ống hẹp giữa xương cẳng tay và các cơ. Chèn ép dây thần kinh trụ xảy ra khi có sự tăng áp lực đè lên dây thần kinh trụ, thường sẽ gây tê ở ngón út và áp út. Ðây là một bệnh lý thần kinh ngoại biên phổ biến, dễ nhầm lẫn với bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và biến chứng của đái tháo đường.
NGUYỄN VĂN TRANG