Phổ biến ca khúc viết về Quy Nhơn: Trăn trở của những người trong cuộc
Nhiều năm qua, gần như không có thêm ca khúc hay viết về Quy Nhơn. Những ca khúc được công chúng nhớ đến vừa ít vừa ra đời từ cách đây đã rất lâu. Có điều này là bởi khá nhiều ca khúc về Quy Nhơn không có điều kiện phổ biến.
Sáng tác nhiều, phổ biến chẳng bao nhiêu
Năm 2008, Phòng VH-TT Quy Nhơn tổ chức tuyển chọn được 57 ca khúc đưa vào tập Ca khúc về Quy Nhơn. Mọi việc đã xong nhưng cuối cùng kế hoạch in và phát hành bất thành. Trong số này hai nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và Trần Hữu Pháp có số lượng ca khúc nhiều nhất - 10 bài, nhạc sĩ Vũ Trung 6 bài, nhạc sĩ Đào Minh Tâm 5 bài, nhiều nhạc sĩ khác có từ 1-3 bài. ngoài 57 ca khúc nói trên, vẫn còn một số ca khúc khác về Quy Nhơn nhưng chưa có dịp phổ biến.
Như vậy, số lượng ca khúc về Quy Nhơn không hề ít. Song, nhiều năm nay, hầu như khán thính giả vẫn chỉ biết đến những bài quen thuộc: “Quy Nhơn thành phố thi ca” (Nguyễn Thụy Kha), “Hát từ bán đảo Phương Mai” và “Dưới tượng đài Quang Trung tôi hát” (Vũ Trung), “Sáng mãi một tình yêu Quy Nhơn” (Chung Thế Nghiệp).
Điều đáng nói là, trong hàng chục ca khúc về Quy Nhơn chưa có điều kiện đến với khán thính giả, không chỉ là sáng tác của những nhạc sĩ trong tỉnh, mà còn cả tác phẩm của những tác giả tên tuổi được tỉnh “đặt hàng” như “Yến hót tạ ơn Quy Nhơn, Bình Định” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, “Chiều quê hương” của nhạc sĩ Huy Du, “Qua cầu Đôi” của nhạc sĩ Vĩnh An…
Theo một nhạc sĩ trong tỉnh (đề nghị không nêu tên) “Hầu hết ca khúc về Quy Nhơn ít được biết đến đều mắc một nhược điểm chung, đó là chưa nói lên được hết những gì hồn cốt nhất của Quy Nhơn; sự phản ánh, ký thác về Quy Nhơn qua âm nhạc chưa tập trung, cô đọng, sâu sắc, thấm đẫm, nên tác phẩm thiếu một sự dung chứa mang tính chiều sâu về nội dung. Bên cạnh đó, tính văn học trong ca từ của ca khúc cũng khá hạn chế, trong khi giai điệu thì đều đều, thiếu điểm nhấn, cao trào, khó tạo hấp dẫn đối với ca sĩ”.
Ngoài lý do chủ quan thuộc về chất lượng nghệ thuật, một số nhạc sĩ mà tác giả có dịp trao đổi còn nêu ra một lý do khác khiến phần lớn ca khúc chịu số phận lặng lẽ, ấy là bởi tác giả không có điều kiện để công bố, phổ biến. Vì rằng, để có bản phối tốt, có ca sĩ với chất giọng phù hợp trình bày để có thể ghi âm, phải chi phí khá lớn. Các nhạc sĩ dù rất muốn “chắp cánh” cho ca khúc của mình nhưng “vướng” rào cản tài chính nên đành chịu.
Cần chung tay
Từ năm 2012 đến nay, diễn ra định kỳ hằng năm, Liên hoan Giọng hát hay Quy Nhơn do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức được đánh giá là nhịp cầu hữu ích trong giới thiệu, phổ biến, quảng bá ca khúc về Quy Nhơn. Trung tâm có kế hoạch duy trì tổ chức lâu dài sân chơi này, nhằm tạo điều kiện để những ca khúc về Quy Nhơn tiếp cận công chúng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Tại mỗi kỳ Liên hoan đều lặp lại tình trạng nhiều thí sinh cùng chọn vài ca khúc phổ biến về Quy Nhơn để biểu diễn. Đơn cử như trong tổng số 32 tiết mục (của 32 thí sinh) lọt vào vòng chung kết Liên hoan lần 3, cũng chỉ có 14 ca khúc khác nhau về Quy Nhơn được chọn thể hiện.
Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn trăn trở: “Tâm lý thí sinh rất ngại chọn những bài hát chưa được phổ biến, nhất là những bài chưa có bản thu âm sẵn. Tại Liên hoan Giọng hát hay Quy Nhơn mở rộng lần 4 sắp đến (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12.2015), ban tổ chức sẽ cung cấp danh sách khoảng 60 ca khúc về Quy Nhơn nhằm hỗ trợ thí sinh chọn ca khúc tâm đắc để thể hiện, đồng thời khuyến khích thí sinh sưu tầm, trình diễn ca khúc mới về Quy Nhơn (ngoài danh sách ban tổ chức cung cấp). Hy vọng sẽ có nhiều thí sinh mạnh dạn chọn những ca khúc mới, đầu tư tập luyện, dàn dựng để biểu diễn và thành công”.
Theo nhạc sĩ Đào Minh Tâm, tuy chưa đạt đến tầm ca khúc đại diện cho địa phương theo kiểu tỉnh ca, thành phố ca song mỗi ca khúc về Quy Nhơn đều có vẻ đẹp riêng, là góc nhìn, tiếng nói riêng về Quy Nhơn bằng âm nhạc; tác phẩm vẫn rất cần được phổ biến nhằm tạo sự phong phú, đa dạng cho vốn ca khúc về Quy Nhơn. Nhạc sĩ Đào Minh Tâm đề xuất: “Ngoài giới thiệu, phổ biến ca khúc qua sóng truyền hình, phát thanh như lâu nay đã và đang làm, tôi đề nghị tỉnh, ngành văn hóa sớm đầu tư kinh phí để ca khúc về Quy Nhơn nói riêng, ca khúc về Bình Định nói chung mau chóng xuất hiện thông qua phát hành của hệ thống karaoke. Đây là cách làm đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả mà rất nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng”.
Trong điều kiện hầu hết người nghe nhạc không thể tiếp cận ca khúc bằng văn bản vì hạn chế về nhạc lý mà phải thông qua bản thu âm có sẵn để học hát theo, thì đề xuất này thiết nghĩ không chỉ là giải pháp trước mắt nhằm mở “đường ra” cho ca khúc về Quy Nhơn, mà còn là nhu cầu thiết thực của đông đảo “ca sĩ quần chúng” mỗi khi muốn hát một bài hát về Quy Nhơn.
KHẢI THƯ
xin hỏi LH giọng hát hay lần 4 chừng nào bắt đầu đăng ký.khánh hòa có tham gia được không?