Xã Cát Hải (Phù Cát): Ðua nhau chiếm đất lâm nghiệp trồng cây trái phép
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Cát Hải (Phù Cát) đua nhau lấn chiếm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp và đất bằng chưa sử dụng do UBND xã Cát Hải quản lý để trồng cây trái phép. Sự việc diễn ra từ lâu và ở mức độ nghiêm trọng nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu.
Trong các năm từ 2007 - 2009, rất nhiều hộ dân ở các thôn Chánh Oai, Tân Thanh, Tân Thắng (xã Cát Hải) ngang nhiên khoanh bao, phát dọn thực bì, lấn chiếm nhiều diện tích đất lâm nghiệp trên các đồi núi thuộc địa bàn xã Cát Hải để trồng bạch đàn và keo, nhưng UBND xã Cát Hải chưa xử lý quyết liệt, đồng bộ. Đến năm 2013 - 2014, những hộ trồng rừng trái phép tiến hành thu hoạch bạch đàn, keo và bán được một khoản tiền khá lớn.
Lấn chiếm cả đất rừng phòng hộ
Thấy việc lấn chiếm đất lâm nghiệp “ngon ăn”, các năm 2014 - 2015, người dân ở xã Cát Hải đua nhau lấn chiếm hàng chục ngàn mét vuông đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ và đất bằng chưa sử dụng để trồng rừng kinh tế.
Theo số liệu mà chúng tôi thu thập được, chỉ tính trong năm 2014 - 2015, trên địa bàn xã Cát Hải có 52 trường hợp thực hiện hành vi lấn chiếm đất tại khu vực Núi Cấm, Gò Dện, khu vực thuộc khoảnh 2, khoảnh 4, tiểu khu 247 (thôn Chánh Oai, Tân Thắng) và một số khu vực đất lâm nghiệp, đất bằng thuộc thôn Vĩnh Hội, Tân Thanh để trồng cây trái phép; tổng diện tích đất các loại bị xâm hại hơn 64.770m2. Trong đó, có những trường hợp lấn chiếm diện tích khá lớn, như: ông Nguyễn Văn Khánh hơn 20.000m2, ông Hồ Văn Tân 10.000m2, bà Nguyễn Thị Nhịp 6.600m2, bà Nguyễn Thị Tuyết 4.560m2…
Hiện tượng lấn chiếm đất trái phép trở nên căng thẳng và phức tạp khi gần đây dư luận tại xã Cát Hải râm ran bàn tán việc một số trường hợp lấn chiếm đất là người nhà hoặc quen biết với cán bộ UBND xã nên có sự “né tránh” trong khâu xử phạt.Một người dân ở thôn Chánh Oai đề nghị không nêu tên, cho biết: “Người nhà của lãnh đạo UBND xã Cát Hải lấn chiếm nhiều diện tích đất lâm nghiệp để trồng cây, nhưng không thấy xử lý. Trong khi người khác phát dọn một khoảnh đất nhỏ, trồng vài trăm cây bạch đàn thì lập tức xã cử tổ công tác tới xử lý, nhổ bỏ cây. Xử phạt như vậy liệu đã công bằng?”.
Đơn cử, trong năm 2014 - 2015, UBND xã Cát Hải và UBND huyện Phù Cát đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Dương Thị Phương Trang (1,25 triệu đồng), Nguyễn Thị Thơi (4 triệu đồng), Nguyễn Thị Tuyết (40 triệu đồng, do UBND huyện ban hành quyết định); nhưng đến thời điểm cuối năm 2015, cả 3 trường hợp đều chưa thi hành quyết định. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị xã lập biên bản vi phạm hành chính nhưng nhất quyết không ký tên hoặc cố tình né tránh khi xã mời làm việc.
Xử lý thế nào ?
Liên quan tới luồng dư luận tại địa phương về việc xử lý thiếu công bằng đối với các trường hợp vi phạm, ông Lê Văn Diêu - Chủ tịch UBND xã Cát Hải, thẳng thắn cho biết: “Trước kia, cha vợ tôi có lấn chiếm đất để trồng rừng hay không tôi không rõ, bởi lúc đó tôi là cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội; còn hiện nay, dư luận cho rằng cha vợ tôi lấn chiếm đất là không có cơ sở. Quan điểm của tôi là ai vi phạm thì sẽ xử lý, không có chuyện né tránh. Tuy nhiên, do số lượng người vi phạm đông, kéo dài nhiều năm, nên trước mắt, chúng tôi cương quyết xử lý các trường hợp mới trồng cây trong năm 2015 và trồng tại khu vực quy hoạch trung tâm xã bằng hình thức nhổ bỏ toàn bộ cây đã trồng”.
“Người nhà của lãnh đạo UBND xã Cát Hải lấn chiếm nhiều diện tích đất lâm nghiệp để trồng cây, nhưng không thấy xử lý. Trong khi người khác phát dọn một khoảnh đất nhỏ, trồng vài trăm cây bạch đàn thì lập tức xã cử tổ công tác tới xử lý, nhổ bỏ cây. Xử phạt như vậy liệu đã công bằng?”
Cũng theo ông Diêu, sở dĩ tình trạng lấn chiếm đất để trồng rừng trái phép kéo dài nhiều năm và lan rộng như hiện nay là bởi trước kia việc ngăn chặn, xử lý chưa kiên quyết, nghiêm minh. Do vậy thời gian tới, UBND xã sẽ tăng cường rà soát, xử lý các đối tượng vi phạm. Những trường hợp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chưa chấp hành thì sẽ cưỡng chế bắt buộc thi hành.
Trong khi đó, ông Mai Thiện, Trưởng Trạm kiểm lâm Cát Hải, lại nại một lý do khác, khiến cho việc quản lý đất rừng không hiệu quả là do đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Cát Hải chưa được quy hoạch, sử dụng theo phân cấp 3 loại rừng nên công tác quản lý, kiểm soát gặp không ít khó khăn.
Được biết, ngày 1.12, UBND huyện Phù Cát đã tổ chức cuộc họp tìm giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng người dân lấn chiếm đất tại xã Cát Hải để trồng rừng trái phép. Hy vọng rằng sau cuộc họp này huyện Phù Cát sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết để lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý đất đai tại địa phương.
VĂN LỰC