Các tôn giáo Việt Nam ra cam kết chung về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 3.12, tại TP Huế, hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)" do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam) tổ chức đã bế mạc.
Sau gần 2 ngày diễn ra, “COP 21 Việt Nam” với sự tham dự của gần 500 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có đại diện của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo và nhiều tổ chức quốc tế đã thảo luận sôi nổi các vấn đề thiết thân về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Các tổ chức tôn giáo, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Sở TN-MT các địa phương cũng đã ký kết khung chương trình - kế hoạch phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Theo đó, mặt trận các cấp, Bộ TN-MT cam kết hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực này. Cụ thể, Bộ TN-MT sẽ hỗ trợ việc biên soạn, phát hành các tài liệu phù hợp với các tôn giáo về vấn đề này để triển khai; còn mặt trận sẽ vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để có kinh phí thực hiện…
Theo chương trình phối hợp này, đến năm 2020, mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất một mô hình cộng đồng tôn giáo thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH do mặt trận, ngành TN-MT và các tôn giáo cùng thực hiện.
Việc giám sát thực hiện Luật Bảo vệ môi trường cũng sẽ được các bên phối hợp thực hiện trong suốt quá trình thực hiện chương trình phối hợp…
Tại hội nghị, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam cũng cam kết phối hợp và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH của các tổ chức tôn giáo, xây dựng các mô hình điểm của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH.
Kết thúc hội nghị “COP 21 Việt Nam”, 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã ra cam kết chung về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Thay mặt các tôn giáo Việt Nam, Đại đức Thích Phước Điền, Tổng Thư ký hội nghị đã đọc Cam kết của các tôn giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Cam kết của các tôn giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH
"Chúng tôi, 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam cùng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các tác động của ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đối với sự sống của con người và muôn loài. Chúng tôi hiểu rằng bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH không chỉ đơn thuần là những giải pháp mang tính kỹ thuật hay kinh tế, mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, liên quan mật thiết đến nền tảng đạo đức, yếu tố văn hóa và gốc rễ tinh thần mà các tôn giáo đóng vai trò quan trọng và trách nhiệm cao.
Chúng tôi, các tôn giáo Việt Nam kêu gọi các nỗ lực giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và BĐKH do con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ sự sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và của thế giới. Đó chính là cơ hội để chúng ta thực hiện sứ mạng và niềm tin được giao phó: trí tuệ, tình yêu và sự chia sẻ.
Chúng tôi ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình hành động của Nhà nước và MTTQ Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời kêu gọi các nỗ lực phối hợp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về chăm sóc con người, sự sống trên trái đất,cùng với các nỗ lực bảo vệ cộng đồng bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Trên cơ sở đó, chúng tôi cam kết các hành động thiết thực tại cộng đồng tôn giáo chúng tôi theo các nội dung sau:
Một là, cam kết nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; triển khai nhiều giải pháp tích cực, bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực để góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của cộng đồng và xã hội. Với mục tiêu đó, giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH sẽ được đưa vào sinh hoạt của các cộng đồng tôn giáo.
Hai là, các tôn giáo tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Chúng tôi sẽ tăng cường xây dựng năng lực tự ứng phó và giúp nhau ứng phó giữa các cộng đồng tôn giáo, giữa người có tôn giáo và người không tôn giáo khi có rủi ro thiên tai xảy ra để góp phần vào hiệu quả các hoạt động này tại cộng đồng dân cư. Cộng đồng tôn giáo sẽ được chia sẻ thông tin của Nhà nước, MTTQ Việt Nam, ngành TN-MT liên quan đến các giải pháp cần thiết về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, được khuyến khích tham gia tích cực vào việc thực hành các giải pháp khẩn thiết này.
Ba là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam, cơ quan TN-MT và cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động thực hiện và giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Chương trình mục tiêu Quốc gia về BĐKH.
Bốn là, khuyến khích các hoạt động bác ái, từ thiện, giữ gìn và thân thiện với môi trường của chức sắc, tín đồ và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khi gặp phải thiên tai, bão, lũ. Chúng tôi cam kết chia sẻ sự chăm sóc bằng hỗ trợ vật chất hay tinh thần đối với các cá nhân, cộng đồng bị tổn thương ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào mà chúng tôi có thể.
Với cam kết này, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo, các tổ chức, cá nhân, người dân, tất cả cộng đồng tôn giáo Việt Nam và quốc tế nhận thức rõ hiểm họa của ô nhiễm, suy thoái môi trường và BĐKH mà nhân loại và Việt Nam đang đối mặt, cùng chia sẻ trách nhiệm và đồng tâm phối hợp hành động vì mục đích cao nhất của chúng ta: là bảo vệ sự sống của con người và muôn loài".
Theo PHAN THẢO (SGGP)