“Nỗi đau trầm tích”
“Nỗi đau trầm tích” (NXB Văn học, tháng 11.2015) là tập thơ đầu tay của thầy giáo Duy Phạm (tên thật Phạm Văn Hùng), đang sống và dạy học tại thị xã An Nhơn. Tập thơ có 100 trang, được chia làm 2 phần. Phần “Thơ” gồm có 84 bài, được tác giả thể hiện với nhiều thể thơ, nhưng phần lớn là thơ lục bát. Nhiều bài chỉ “dừng lại” ở 4 dòng thơ. Lục bát của anh không có những “tuyệt cú” nhưng thâm trầm, triết lý, như: “Đồng hoang quạnh một cánh diều/Chân không vẳng tiếng chuông chiều đổ ngang/ Quanh ta hạ trắng thu vàng/ Tịch nhiên chẳng biết mùa sang lúc nào?” (Chân không).
Phần “Bạn bè tri âm” là những bài viết của bạn bè cảm nhận về thơ của anh. Có thể đồng tình với Mộc Miên Thảo, khi cắt nghĩa thơ của Duy Phạm “thành bốn mảng chính: Tiếng lòng, Sự cô đơn, Khắc khoải nhân sinh và Sự thức tỉnh”. Thơ nào mà chẳng là tiếng lòng, nhưng tiếng lòng của Duy Phạm là xoáy sâu vào những buồn vui, cay đắng, ngọt bùi của một kiếp nhân sinh hư ảo, khắc khoải, phù vân: “Ngàn năm mấy cuộc bể dâu?. Biết đâu là khóc, biết đâu là cười ?”. Phải chăng, đây là những gì Duy Phạm gọi là “nỗi đau trầm tích” ?. Do vậy, mà thơ anh bàng bạc triết luận, đậm đặc thiền vị ?. Sau những chấp mê, sân si là những vần thơ “đốn ngộ”, Duy Phạm đã đốn ngộ về đời, đốn ngộ về mình: “Quét sân phơi lá bồ đề/Phơi bao mùa nắng chấp mê vẫn còn/Sân si đi mỏi lối mòn/Một đêm chỉ ánh trăng tròn…tỉnh ra…”(Ba lần nhặt lá bồ đề).
KHẢ XUÂN