Xây dựng tủ sách phục vụ nông dân: Tạo bình đẳng trong hưởng thụ thông tin
Với người dân thành thị, tìm được một cuốn sách để đọc khá đơn giản, nhưng đối với người dân nông thôn thì điều này còn khó khăn. Vì vậy, Thư viện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp xây dựng tủ sách nông dân ở cơ sở.
1.
Trong 10 năm qua (2004 - 2014), Thư viện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp xây dựng thành công 38 tủ sách và 1 thư viện ở 11 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Trung bình mỗi tủ sách có 500 bản sách và 1 thư viện có trên 1.000 bản sách; mỗi tủ sách, thư viện có khoảng 50 bạn đọc thường xuyên. Thư viện tỉnh luân chuyển sách 6 tháng 1 lần cho các tủ sách và thư viện ở cơ sở, mỗi lần 200 bản sách mới gồm các thể loại: pháp luật, nông nghiệp, y học, khoa học, văn học, sách thiếu nhi và các loại báo, tạp chí. Tính đến nay, Thư viện tỉnh đã tặng các thư viện, tủ sách của Hội Nông dân hơn 2.000 bản sách, trị giá hơn 30 triệu đồng. Thư viện tỉnh và Hội Nông dân cũng đã xây dựng thành công mô hình thư viện điểm ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Thư viện điểm được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí phòng đọc, hỗ trợ bồi dưỡng cán bộ quản lý thư viện là cán bộ Hội Nông dân xã.
Vài năm trước, các tủ sách còn vắng bóng độc giả, còn hiện nay, theo phản ánh của các điểm thì toàn bộ sách luân chuyển đã được sử dụng tốt tại địa phương, với nội dung thiết thực, cập nhật, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc. Từ sách tra cứu thông tin phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, thông tin chăm sóc, thâm canh cây trồng để phát triển kinh tế đến sách văn học nghệ thuật, giải trí, chăm sóc sức khỏe, khoa học người dân đều có thể tìm thấy ở đây.
2.
Cán bộ phụ trách tủ sách của Hội Nông dân hầu hết do Phó chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm nhiệm. Mặc dù không có tiền phụ cấp thêm nhưng hầu hết cán bộ đều có tinh thần trách nhiệm, phục vụ bà con tận tình chu đáo. Nổi trội là một số tủ sách: thôn Mỹ Cang (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh), thị trấn Đập Đá (thị xã An Nhơn)… Ông Tôn Kỳ Hảo, người dân ở thôn Mỹ Cang, tâm sự: “Nhờ có tủ sách mà bà con trong thôn luôn được cập nhật những kiến thức mới về khoa học kỹ thuật, áp dụng vào việc chăm sóc và điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm”.
Việc duy trì, phát triển tủ sách Hội Nông dân xã là cần thiết để phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, chung tay xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đến việc duy trì và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới thư viện cơ sở, Thư viện tỉnh xây dựng kế hoạch thường xuyên luân chuyển sách mới phục vụ bà con, đồng thời cử cán bộ phụ trách phong trào kiểm tra đôn đốc và mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách thư viện, tủ sách.
Bà Lê Thị Huệ, Phó giám đốc Thư viện tỉnh, đánh giá: “Các tủ sách Hội Nông dân xã giúp khai thác triệt để vốn sách, báo của Thư viện tỉnh, giúp tăng vòng quay và hiệu quả sử dụng sách, báo. Hiệu quả lớn nhất của việc luân chuyển sách, báo đến Hội Nông dân xã chính là trực tiếp đưa sách, báo đến với người dân nông thôn, giúp cho họ có cơ hội tiếp cận kiến thức, thông tin bổ ích và thời sự. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách thông tin giữa thành thị và nông thôn, tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin”.
BÍCH DUNG