70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Quốc hội khóa I (1946-1960)
Kể từ ngày 6.1.1946, ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội Việt Nam khóa I, đến nay, Quốc hội nước ta đã trải qua 70 năm phát triển mạnh mẽ, gắn liền với lịch sử cách mạng nước nhà. Qua 13 khóa hoạt động, Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6.1.1946 - 6.1.2016), Báo Bình Ðịnh trân trọng giới thiệu tư liệu về quá trình hình thành, phát triển của Quốc hội Việt Nam qua 13 khóa hoạt động.
Quốc hội khóa I ra đời sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử nước ta vào ngày 6.1.1946, gồm 403 đại biểu, trong đó có 333 đại biểu được dân bầu, 70 đại biểu không qua bầu cử (20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mạng đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam quốc dân đảng).
Quốc hội khóa I với 12 kỳ họp đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Trong thời kỳ này, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và “trao quyền bính cho chính quyền ấy”, bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Từ năm 1954 đến năm 1960, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà theo quy định của Hiệp định Genève. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, Quốc hội cũng đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên CNXH, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như: Luật cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật quy định quyền lập hội, Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân và Luật về chế độ báo chí. Đây là những đạo luật quy định những quyền tự do rất cơ bản của người dân. Ngoài ra còn có Luật hôn nhân và gia đình, Luật bầu cử Quốc hội.
Đánh giá về công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”.
Trong Quốc hội khóa I, tỉnh Bình Định có 12 đại biểu.
(còn nữa)