Nhà máy xi măng Diêu Trì: Không cải thiện tình trạng ô nhiễm sẽ phải di dời
Ðó là khẳng định của ông Ðặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT. Sống chung với khói bụi, tiếng ồn từ nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Constrexim Bình Ðịnh là tình cảnh mà hàng chục hộ dân ở đội 7, thôn Diêu Trì (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) phải chịu đựng nhiều năm qua.
Chiều 1.12, phóng viên Báo Bình Định có mặt tại một số khu vực xung quanh nhà máy xi măng Diêu Trì và nhận thấy, bụi phủ dày đặc trên mái ngói nhà dân. “Mục sở thị” tại một ngôi nhà, tôi thấy cành cây, bàn ghế, quần áo, nồi niêu xoong chảo của người dân cũng bám bụi xám xịt. Một số người dân ở đội 7 bức xúc: Từ khi nhà máy xi măng hoạt động môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Công suất của nhà máy tăng lên, bụi bặm lại càng nhiều, tiếng ồn cũng thêm chát chúa cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết.
Ông Đoàn Văn Nghị, cán bộ địa chính thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, cũng xác nhận: “Từ năm 2013 - 2014, nhà máy gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp; trong đó, người dân ở đội 7 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Gần đây, lãnh đạo nhà máy đã có động thái khắc phục nhưng xem ra tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.
Phóng viên đã gặp ông Lê Bá Hiệp, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Constrexim Bình Định. Ông Hiệp cho rằng: “So với mấy năm trước đây, tình trạng ô nhiễm khói bụi từ nhà máy xi măng đã giảm đáng kể. Thời gian qua, nhà máy đã trồng nhiều cây xanh; cải tiến hệ thống lọc bụi tĩnh điện; quét dọn, bơm rửa thường xuyên khu vực sản xuất”.
Về vấn đề này, ông Võ Minh Thành, Phó Chánh Thanh tra Sở TN-MT cho biết, thanh tra Sở đã đi kiểm tra, kết quả cho thấy nhà máy xi măng xả bụi ra môi trường vượt 2,06 lần so với giới hạn cho phép. Sở TN-MT cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 60 triệu đồng đối với công ty.
“Giải pháp bền vững nhất để bảo đảm đời sống và sản xuất của người dân địa phương là di dời nhà máy ra xa khu dân cư. Sở đã yêu cầu nhà máy xi măng vận hành hệ thống xử lý bụi đúng yêu cầu, theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, thường xuyên theo dõi hoạt động của thiết bị xử lý ô nhiễm, ghi nhật ký vận hành đầy đủ; hạn chế xay nghiền clinke vào giờ cao điểm, đặc biệt là ban đêm. Trường hợp nhà máy vẫn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh xử lý ngay, thậm chí buộc ngừng hoạt động hoặc di dời đi nơi khác”, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT, cho hay.
Ngày 24.11, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 5631/UBND-KTN về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại nhà máy xi măng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng hướng dẫn công ty xây dựng phương án cụ thể để thực hiện di dời nhà máy. Ðồng thời, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của Công ty; nếu tiếp tục vi phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.
TRỌNG LỢI