Tây Sơn chủ động phòng chống cháy rừng
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm 2013, UBND huyện Tây Sơn đã ban hành QĐ số 931, kiện toàn Ban chỉ huy (BCH) về các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR, phân công các thành viên BCH đứng chân tại địa bàn các xã.
Rừng trồng nguyên liệu giấy ở Tây Giang - Tây Sơn. Ảnh: H.CHI
Huyện Tây Sơn có tổng diện tích rừng là 69.296 ha với 39.337 ha đất lâm nghiệp. Trong đó diện tích đất có rừng là 31.656 ha (rừng tự nhiên 22.037 ha, rừng trồng 9.618 ha). Độ che phủ rừng đạt 45,2%. Trong năm 2012, ở Tây Sơn xảy ra 8 vụ cháy rừng với tổng diện tích bị cháy khoảng 22,3 ha. Nguyên nhân cháy rừng chủ yếu là do thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài, hạn hán làm cho nguồn nước khô kiệt, độ ẩm thấp làm cho vật liệu cháy dễ bắt lửa. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan là do sự thiếu ý thức của con người khi sử dụng lửa trong rừng, ven rừng để sản xuất hoặc sinh hoạt; các em nhỏ chăn thả gia súc vô tình dùng lửa chơi đùa gây ra cháy rừng.
Để chủ động trong việc huy động lực lượng, phương tiện và đề ra các biện pháp phù hợp, hiệu quả trong công tác PCCCR, BCH PCCCR huyện đã rà soát, bổ sung, điều chỉnh các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng cụ thể như sau: Ở xã Bình Nghi có tiểu khu 301 và 308; ở xã Bình Tân có các tiểu khu 228, 241, 251, 252a; ở xã Bình Thành có tiểu khu 261; xã Bình Thuận có tiểu khu 252b; xã Bình Tường có tiểu khu 283; xã Tây Giang có tiểu khu 259; xã Tây Thuận có tiểu khu 249 và 250a; xã Tây Xuân có các tiểu khu 300, 307.
Theo ông Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCH PCCCR huyện Tây Sơn: Nguyên tắc chữa cháy chủ yếu vẫn thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ là “Lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ”, trong đó cơ bản nhất là “chỉ huy tại chỗ” và “lực lượng tại chỗ”. Trường hợp đám cháy lớn, lực lượng địa phương không có khả năng dập tắt thì BCH PCCCR của xã báo ngay cho BCH PCCCR cấp huyện để huy động lực lượng trên toàn huyện ứng cứu kịp thời, bảo đảm nguyên tắc “Dập lửa phải khẩn trương - kịp thời - triệt để”; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về mọi mặt và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, phương tiện và tài sản của nhân dân.
Hiện nay huyện cũng đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện để ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Nếu có trường hợp cháy rừng xảy ra, tùy theo địa hình, tính chất, quy mô đám cháy mà BCH sẽ sử dụng công cụ, phương tiện chữa cháy phù hợp. Địa hình đồi núi phức tạp, độ dốc cao, phương tiện cơ giới không áp dụng được thì sử dụng các phương tiện thô sơ như cành cây, rựa, cuốc, cào cỏ, thùng nước, bình nước … Ở những vùng rừng có địa hình bằng phẳng, ít dốc sẽ sử dụng phương tiện cơ giới, bàn dập lửa, máy thổi gió, máy bơm nước, máy cắt thực bì…
Điểm đáng chú ý là trong chữa cháy rừng, dù tình huống nào, BCH xác định phải thực hiện đúng quy định đảm bảo an toàn cho người chữa cháy. Mọi người tham gia chữa cháy phải hiểu rõ quy định về PCCCR và kỹ thuật an toàn chữa cháy, không để người bệnh tật, yếu sức khỏe đi chữa cháy rừng.
HOÀNG CHI