An Lão: Hàng loạt công trình cấp nước không phát huy hiệu quả
Gần 100% công trình cấp nước bị hư hỏng
Theo Phòng Nông nghiệp huyện An Lão, hiện nay, có 48/50 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn (gọi tắt là CTCNTT) tại 51 thôn trên địa bàn huyện đã xuống cấp, hoạt động kém; 2 công trình không hoạt động. Phần lớn các CTCNTT này đều do UBND huyện làm chủ đầu tư; sau đó, giao cho UBND xã hoặc tổ cộng đồng dân cư ở địa phương quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ.
CTCNTT tại thôn 3, xã vùng cao An Toàn bị hư hỏng, cỏ dại mọc um tùm.
Tại CTCNTT ở thôn 3 và thôn 5, xã An Hưng được UBND huyện An Lão xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng năm 2005 (công suất thiết kế 50m3/ngày) đã bị hư hỏng, ngừng hoạt động khiến gần 300 nhân khẩu ở địa phương thiếu nước sạch.
Tương tự, CTCNTT ở thôn 3, xã vùng cao An Toàn được đưa vào sử dụng năm 2011 (công suất 30m3/ngày), cung cấp nước cho khoảng 50 hộ/200 nhân khẩu ở địa phương, đến nay cũng đã “tê liệt” hoàn toàn. Người dân phải sử dụng nước kém vệ sinh ở suối Gà để sinh hoạt hằng ngày.
Ông Phạm Minh Tâm, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện An Lão, lý giải nguyên nhân các CTCNTT hư hỏng là do thời tiết, thời gian sử dụng lâu; nhiều công trình không có bộ phận quản lý, kinh phí duy tu thiếu.
Khắc phục “nhỏ giọt” vì thiếu kinh phí
Trước tình hình hàng loạt CTCNTT ở huyện An Lão bị xuống cấp, huyện An Lão đã có nhiều giải pháp khắc phục; tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên việc sửa chữa, nâng cấp các công trình này gặp nhiều trở ngại.
CTCNTT thôn T-mang-ghen, xã An Trung xuống cấp, ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Tặng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện An Lão, cho biết: “Do kinh phí duy tu hằng năm có hạn nên địa phương chỉ có thể ưu tiên sửa chữa những CTCNTT ở địa phương bức xúc nhất về nước sinh hoạt. Năm 2015, huyện đã lập thiết kế, dự toán nâng cấp 4 CTCNTT cho thôn 1 (xã An Toàn), thôn 5 (xã An Nghĩa), thôn 6 (xã An Trung) và thôn 2 (xã An Vinh) nhưng kinh phí chưa có nên đành chuyển sang đầu năm 2016. Riêng tháng 12.2015, Ban sẽ thực hiện bảo dưỡng 2 CTCNTT tự chảy ở thôn T-mang-ghen (xã An Trung) và thôn 1, thôn 2 (xã An Nghĩa) với kinh phí sửa chữa gần 303 triệu đồng, phục vụ nước sinh hoạt cho 100 hộ dân.
Bên cạnh đó, UBND huyện An Lão đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức bộ phận quản lý, vận hành công trình phù hợp với đặc thù từng thôn; vận động nhân dân đóng tiền sử dụng nước, để có kinh phí cho bộ phận quản lý công trình hoạt động và khắc phục những hư hỏng nhỏ. Bên cạnh đó, huyện cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác quản lý, vận hành công trình trong điều kiện người dân khó khăn không đóng đủ tiền sử dụng nước.
H.N
Theo đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) để tăng cường công tác quản lý, vận hành khai thác các CTCNTT trên địa bàn huyện An Lão, trước hết, phải gắn trách nhiệm của UBND cấp huyện với hiệu quả công trình cấp nước do huyện làm chủ đầu tư. Việc tổ chức tham vấn cộng đồng vùng dự án, lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành khai thác cần chú trọng hơn. Tiếp đến, cần lựa chọn đơn vị giám sát công trình có kinh nghiệm trong lĩnh vực nước sạch, qua đó, giúp chủ đầu tư giám sát tốt chất lượng công trình xây dựng. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh mô hình quản lý, vận hành, khai thác và loại bỏ mô hình quản lý không phù hợp.