Đặt niềm tin vào diễn viên trẻ
Trong các vở diễn gần đây của Nhà hát tuồng Đào Tấn, các diễn viên trẻ xuất hiện ngày càng nhiều và đảm trách các vai quan trọng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác gầy dựng lực lượng kế cận của Nhà hát.
1.
Khán giả mộ tuồng ở tỉnh nhà vốn đã quá quen với việc một số ít diễn viên quen thuộc, gạo cội xuất hiện đều đặn trong hầu hết vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn như NSND Xuân Hợi, NSND Minh Ngọc, NSƯT Tuyết Mai, NSƯT Thanh Sử; vài gương mặt trẻ có tham gia nhưng mang tính “điểm xuyết” ở những vai phụ, ít để lại ấn tượng. Vậy nên, nhiều khán giả có thêm “cảm xúc” và lấy làm mừng khi xem hai vở gần đây nhất của Nhà hát tuồng Đào Tấn - “Quang Trung đại phá quân Thanh” và “Tam Hạ Nam Đường” - đã gần như toàn bộ vai diễn được tin cậy giao cho lực lượng trẻ!.
“Quang Trung đại phá quân Thanh” (phục dựng 2015), vở diễn tạo điều kiện cho dàn diễn viên trẻ của Nhà hát tuồng Đào Tấn tham gia.
“Quang Trung đại phá quân Thanh” là vở tuồng để lại dấu ấn đặc biệt trong những vở diễn về đề tài lịch sử của Nhà hát tuồng Đào Tấn (lúc bấy giờ là Nhà hát tuồng Nghĩa Bình), tạo tiếng vang lớn khi công diễn trong lần đầu dàn dựng năm 1980. Vở diễn quy tụ “dàn sao” của nghệ thuật tuồng bấy giờ như Võ Sĩ Thừa, Đình Bôi, Hoàng Chinh, Tư Cá, Đinh Quả, Long Trọng, Ngọc Cầm… 35 năm sau phục dựng lại, đến cả hai diễn viên trẻ nhất được tham gia ngày ấy là NSND Hòa Bình, NSƯT Tuyết Mai cũng đã về hưu, nên vở diễn “phiên bản 2015” được thể hiện bởi một thế hệ nghệ sĩ hậu bối trẻ trung.
NSND Hòa Bình, một trong hai diễn viên trẻ xuất sắc thời đó vinh dự được chọn tham gia vở diễn (vào vai công chúa Ngọc Hân; được mời góp ý nghệ thuật và truyền vai cho diễn viên trong lần phục dựng này) xúc động chia sẻ: “Có thể làm lại một trong những vở diễn đỉnh cao của Nhà hát sau mấy chục năm trời và nhất là được kế thừa, tiếp nối bởi một lớp trẻ là điều đáng mừng. Mọi thứ dĩ nhiên rất khó được như lớp nghệ sĩ tài năng quy tụ trong lần đầu dàn dựng vở diễn, song nỗ lực lĩnh hội và thể hiện được như thế đối với các diễn viên trẻ đã là rất tốt và đáng khen”.
Diễn viên Mai Ngọc Nhân đã nỗ lực học vai, thẩm thấu, cộng với nét diễn riêng, đã thể hiện chững chạc, diễn xuất xúc động nhân vật trung tâm của vở diễn - Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ ở lần đầu tiên vào vai này. Bên cạnh đó, diễn viên Hoàng Thanh Bình từ trước giờ vốn thế mạnh ở dạng vai đào chiến sắc sảo và mạnh mẽ, nay vào dạng vai đào văn (vai công chúa Ngọc Hân) cũng rất nhuần nhị và duyên dáng. Vở diễn này còn có sự tham gia của những diễn viên bước chân vào “làng râu hia” chưa bao lâu như Thanh Trực (vai người dẫn đường), thậm chí lần đầu lên sân khấu đã diễn rất tròn vai như Thanh Vân (vai Nữ chúa Tây Nguyên)…
2.
Cách đây hơn một tháng, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã biểu diễn thành công vở “Tam Hạ Nam Đường”, phát sóng trực tiếp trên truyền hình (thông qua chương trình sân khấu truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định). Dàn diễn viên của vở này còn mới và trẻ hơn cả vở “Quang Trung đại phá quân Thanh” trước đó: Minh Trang vai Lưu Kim Đính, Đức Thành vai Cao Hoài Đức, Mai Ngọc Nhân vai Cao Quân Bảo… Trong số này, có lẽ ấn tượng nhất là phần biểu diễn của diễn viên Minh Trang, xuất thân là một ca sĩ đến với tuồng chưa lâu, đã thể hiện rất xúc động ở một vai diễn đòi hỏi diễn xuất tâm trạng cao trào và vũ đạo phải luyện tập vất vả… Đây là vở diễn được truyền hình trực tiếp trên sóng vệ tinh đến với khán giả cả nước, nên “sức thanh xuân” của sân khấu truyền thống Bình Định có lẽ đã được đông đảo mọi người biết đến hơn.
Tuồng là loại hình nghệ thuật kinh điển đòi hỏi nhiều thời gian để tiếp cận, am hiểu. Nhưng sự khó tiếp cận ấy của tuồng lại không chờ đợi tuổi của những nghệ sĩ làm công tác biểu diễn. Làm nghề mà không được giao vai, lên sân khấu, tuổi xuân của diễn viên sẽ trôi qua trong lãng phí và buồn tẻ, lửa nghề hụt dần. Vậy nên, việc tâm huyết truyền nghề, mạnh dạn giao vai, tạo điều kiện để nghệ sĩ trẻ trưởng thành trên sân khấu là điều vô cùng quan trọng, cách làm “sâu rễ bền gốc” trong công tác đào tạo lực lượng kế cận ở mọi đơn vị nghệ thuật. Mong rằng, tín hiệu “trẻ hóa” sân khấu của Nhà hát tuồng Đào Tấn sẽ được chú trọng thực hiện thường xuyên hơn nữa, ở ngay cả những vở mới, đầu tư dàn dựng để đi thi tại các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cả nước, những gương mặt trẻ, mới cũng sẽ lại xuất hiện.
SAO LY