Dự phòng cho tương lai
Tương lai khó đoán định bởi biến cố, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tiết kiệm, dự phòng cho tương lai bản thân cũng như cho người thân trong gia đình là một trong những mối quan tâm được đặt lên hàng đầu hiện nay đối với không ít người.
Muôn kiểu dự phòng
Cho đến nay, một số bạn bè, người thân mà tôi biết vẫn trung thành với kiểu tích lũy truyền thống là mua vàng. Chị Tiến Thủy, chủ một tiệm cắt uốn tóc ở phường Lý Thường Kiệt, Quy Nhơn, kể: “Cứ vào ngày 10 âm lịch hàng tháng là tôi mua vàng, khi 5 phân, lúc 1 chỉ, thậm chí vài chỉ, tùy theo số tiền kiếm được. Lâu dần thành thói quen, tháng nào không mua là tôi không chịu được, nên phải tiết kiệm. Đây là cách má chồng tôi dạy tôi kể từ lúc về làm dâu. Cũng nhờ đó mà gia đình chồng tôi có của ăn của để, mở xưởng gỗ và lo cho tương lai cho các con”. Tương tự, nhờ cách này mà vợ chồng chị Liễu Thanh, ở phường Thị Nại, Quy Nhơn, đã mua được nhà mặt phố theo sở nguyện. Cách 2 năm, khi giá nhà đang rẻ mà giá vàng lại cao, vợ chồng chị bán số vàng đã tích cóp trong nhiều năm mua được căn nhà giá 1,5 tỉ đồng.
Gửi tiết kiệm cũng là một cách dự phòng an toàn cho tương lai.
- Trong ảnh: Khách đến giao dịch tại một ngân hàng.
Tuy nhiên, với thị trường tài chính và cách làm ăn sôi động như hiện nay, nhiều người đã chọn cách dự phòng cho tương lai bằng những kênh khác nữa như: bỏ vốn đầu tư vào những cơ hội làm ăn, mua bán đất đai, mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) hay chơi chứng khoán. Chị Kim Sa, ở phường Lê Lợi, Quy Nhơn, tâm sự: “Gần chục năm nay kể từ ngày lập gia đình, không lúc nào mà tôi không nợ. Lúc mua nhà, lúc mua rẫy, rồi mua cổ phiếu ưu đãi ở một số doanh nghiệp khi có cơ hội. Tôi phải vay tiền để mua được những thứ ấy, nhưng rồi nợ cũng được trả hết và các khoản đầu tư đều có lãi. Ông xã tôi còn mua BHNT cho con, rồi tính đến việc mua bảo hiểm cho người trụ cột gia đình phòng bất trắc”.
Theo xác nhận của hai chi nhánh công ty BHNT nước ngoài tại Bình Định, thị trường BHNT trong tỉnh liên tục tăng trưởng hơn, thể hiện qua việc các hợp đồng phí đóng mới năm sau cao đều hơn năm trước và mức đóng phí cũng cao hơn nhiều. Ông Hoàng Minh Nghĩa, Trưởng đại diện Prudential Việt Nam tại Bình Định, dẫn chứng: “Nếu như chục năm trước, mức đóng phí thường chỉ dao động từ vài ba triệu đồng đến dưới mười triệu đồng/hợp đồng/năm, thì nay có thể lên đến từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/hợp đồng/năm. Thậm chí có người còn mua cho mình 2 - 3 sản phẩm BHNT, chưa kể người thân”.
Đầu tư sao cho có lợi?
Theo lời khuyên của các nhà quản lý tài chính, thì quản lý tài chính, quản lý chi tiêu tốt và biết cách đầu tư hiệu quả sẽ giúp dự phòng cho tương lai tốt hơn. Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (TP Hồ Chí Minh), đang sở hữu 1 công ty thiết kế và 2 quán cà phê, đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính thành công của mình: Nên tích lũy và có kế hoạch tài chính càng sớm càng tốt; giải quyết mọi nợ nần sớm; tăng tích lũy mọi lúc mọi nơi, ít nhất phải bằng 10% thu nhập hàng tháng; chọn cách đầu tư hiệu quả thay vì chỉ gửi tiết kiệm lấy lãi.
Không ít người tiết kiệm dự phòng cho tương lai theo cách “bỏ trứng vào nhiều giỏ” để giảm thiểu rủi ro.
Vậy đầu tư sao cho hiệu quả? Câu trả lời là không có đáp án nào hoàn toàn chính xác vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Còn nhớ cách đây khoảng 7-8 năm, khi chứng khoán Việt Nam ở thời cực thịnh, ngủ một đêm dậy đã có thể là tỉ phú, không ít người đã đổ tiền đầu tư, thậm chí thế chấp nhiều tài sản có giá vào chứng khoán. Rồi, thị trường chứng khoán xuống dốc, nhiều nhà đầu tư rơi vào nợ nần. Chị Thiên Mỹ, nhà ở phường Lý Thường Kiệt (Quy Nhơn), làm việc trong ngành tài chính, tâm sự: “Tôi giấu chồng chơi chứng khoán bằng tài sản riêng của mình, tính ra lỗ mất hơn một tỉ bạc. Của mười hốt lại chưa được một nên đành để đó, hy vọng chứng khoán sẽ có ngày khởi sắc hơn. Giờ tôi vừa mua vàng, vừa gửi tiết kiệm, cho vay mượn, đồng thời vẫn chơi chứng khoán nhưng không “ôm” như trước mà hễ giá nhích lên một chút là “đẩy” ngay”. Chị Lệ Nguyên, một công chức nhà nước, lại chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Ăn chắc mặc bền, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, không vung tay quá trán nhưng cũng chẳng quá ky bo. Tôi cũng thích giải pháp bỏ trứng vào nhiều giỏ, mỗi thứ một chút, như vậy sẽ an toàn hơn nhiều”.
Trong khi đó, xuất phát từ thực tế một số trường hợp khách hàng tham gia BHNT nửa chừng rồi bỏ dở, một tư vấn viên về bảo hiểm đã khuyên trong mọi trường hợp, khách hàng nên đắn đo, cân nhắc các khoản thu nhập của gia đình cũng như tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng rồi mới tham gia bảo hiểm để việc đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất. Khi gặp khó khăn về tài chính, không nên vội hủy hợp đồng mà nên tham khảo sự tư vấn của công ty bảo hiểm để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho cả đôi bên.
THU HÀ