VỊ CỦA QUÊ NHÀ
Bánh mì chấm
Bạn bè thời đi học của tôi mỗi khi gặp lại nhau vẫn thường nhắc đến món này. Món ăn khó thiếu và khó quên của thời học sinh, sinh viên phố biển Quy Nhơn. Đến quán, gọi to cho hai ổ bánh mì chấm. Ngay lập tức, chủ quán sẽ bưng ra một rổ bánh mì nóng hổi, một chén nước chấm và một chén rau dưa ăn kèm. Chén nước chấm bánh mì khá đơn giản gồm nước thịt kho nhạt và một xắn pate gan quết chút ớt tương đỏ thẫm. Cứ thế, mỗi lần ăn, thực khách chỉ cần xé nhỏ miếng bánh mì rồi chấm với phần nước có pha lẫn pate thơm ngon.
Bánh mì chấm ở Quy Nhơn xuất hiện chừng hai chục năm trước, ban đầu chỉ lác đác vài tiệm, nay thì ngoài bán bánh mì thịt, rất nhiều tiệm còn bán kèm bánh mì chấm.
Theo chị Loan, chủ tiệm bánh mì Loan trên đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, món bánh mì chấm đơn giản trong cách thức ăn nhưng khi làm phải thật kỹ và sạch sẽ. Mỗi ngày, chị chọn lượng gan heo ngon để xay làm pate gan. Gan mà không ngon, không sạch, làm không đảm bảo vệ sinh thì ăn sẽ có mùi hôi, thậm chí gây đau bụng. Bánh mì để ăn bánh mì chấm luôn phải nóng, giòn. Cầm ổ bánh mì, nghe mùi bánh thơm thơm, rà rà tay lên bánh nghe rộn rạo là bánh ngon, mới. Chính vì tính bình dân, phổ biến của bánh mì chấm mà khách hàng chủ yếu của quán là học sinh, sinh viên.
Không chỉ tôi mà những thế hệ tiếp sau đó mỗi khi rời phố biển đi học xa, mỗi lần nhớ nhà lại thắc thỏm nhắc món bánh mì chấm. Một chút bùi, béo, thơm, cay cay của chén nước chấm hòa trộn với vị thơm ngon của bánh mì nóng khiến những cái bụng đói vì học “xui” cái miệng thỏa thê đánh chén.
TÂM NGỌC