Xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản:Nhiều khởi sắc
Được đánh giá là “thị trường cao cấp” và “khó tính”, song, đến thời điểm hiện tại, cánh cửa Nhật Bản đã rộng mở hơn cho lao động Bình Định. Năm 2015, công tác xuất khẩu lao động sang Nhật Bản của tỉnh ta có nhiều khởi sắc.
Với ký kết hợp tác đầu tư giữa Nhật Bản với tỉnh ta trong hai năm 2014 và 2015, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã triển khai tìm kiếm nguồn lao động chất lượng tại Bình Định. Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 220 người xuất cảnh làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản.
Lao động Bình Định tham gia thi tuyển cho đơn hàng ngành xây dựng của doanh nghiệp Nhật Bản.
Tăng gần gấp 3 so với năm 2014
Thông qua ký kết Hiệp định về chương trình thực tập kỹ năng của người nước ngoài giữa Công ty cổ phần Xây dựng 47 và Nghiệp đoàn Kokusai Bijinesu Konsarutingu Jigyo Kyodo Kumiai (Nghiệp đoàn IBCA), thời gian qua, Công ty CP Xây dựng 47 đã tiến hành đào tạo và đưa người lao động sang làm việc tại Nhật Bản theo các đơn hàng của doanh nghiệp Nhật. Ông Phan Văn Lịch, Trưởng Phòng Xuất khẩu lao động của Công ty cổ phần Xây dựng 47, cho biết: Từ cuối năm 2014 đến nay, có 15 học viên đã xuất cảnh và làm việc tại Nhật Bản. 18 học viên đã trúng tuyển và đang trong quá trình học kỹ năng, học tiếng Nhật (gồm 4 lao động nông nghiệp, 2 lao động nghề hàn và 12 lao động nghề xây dựng) sẽ tiếp tục xuất cảnh từ tháng 2 đến tháng 7.2016.
Bên cạnh đó, một số công ty xuất khẩu lao động trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH hoặc được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép cũng tìm kiếm lao động tại Bình Định theo các đơn hàng của doanh nghiệp Nhật thông qua sự phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm Thanh Niên... hoặc tự chiêu sinh. Một số công ty đang thực hiện tuyển dụng lao động xuất khẩu sang Nhật Bản trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Ánh Thái Dương, Công ty TNHH Hiteco, Công ty TNHH MTV Xuất khẩu lao động, Thương mại và Dịch vụ Sovilaco... Đến nay, số lượng lao động được các công ty này tuyển chọn và đưa sang làm việc tại Nhật Bản là 220 người. Trong đó, phần lớn là các ngành nghề cơ khí, may mặc... Mặt khác, theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thông qua kênh tuyển dụng của Bộ LĐ-TB&XH và các doanh nghiệp được Bộ cấp phép, hiện nay, vẫn còn 52 lao động đã học xong tiếng Nhật và kỹ năng đang chờ xuất cảnh.
Nếu năm 2014, toàn tỉnh có 80 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, thì với con số 220 lao động xuất khẩu sang Nhật Bản năm nay đã cho thấy tín hiệu lạc quan tại thị trường vốn được cho là “khó tính” này. Ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng Phòng Lao động, Tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở LĐ-TB&XH, nhận định: “Thị trường Nhật Bản có sức hút đối với lao động Việt bởi thu nhập cao, chế độ bảo hiểm - an sinh xã hội tốt, quyền lợi người lao động được bảo đảm... Năm 2015, nhu cầu lao động của doanh nghiệp Nhật lớn hơn, khâu tuyển chọn cũng có phần đơn giản hơn nên lao động Bình Định có nhiều cơ hội”.
Người lao động tại buổi phỏng vấn của một số doanh nghiệp Nhật Bản.
Chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội
Có con gái vượt qua được vòng tuyển chọn khắt khe của một doanh nghiệp chế biến rau hoa củ quả công nghệ cao Nhật Bản và vừa xuất cảnh vào cuối tháng 11.2015, anh Trần Hải Minh (ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) tâm sự: “Gia đình mừng rỡ vì con có cơ hội công việc với mức lương cơ bản khá cao. Đây là cơ hội để con phụ giúp gia đình và tự chăm lo cho bản thân. Ngoài ra, được làm việc trong môi trường sản xuất tiên tiến, công nghệ cao sẽ giúp con trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức để sau này khi về nước dễ dàng tìm được việc làm”.
Với thu nhập từ 18 đến 30 triệu đồng mỗi tháng, thị trường Nhật Bản thật sự là điểm đến mơ ước của nhiều lao động tỉnh nhà có khát vọng lập nghiệp, đổi đời. Việc ra đời ký kết của Nghiệp đoàn IBCA Nhật Bản với Công ty CP Xây dựng 47 đã cho thấy mối quan tâm và thiện cảm của chủ doanh nghiệp Nhật với lao động Bình Định. Mặt khác, việc doanh nghiệp Nhật bớt khắt khe hơn với các chỉ tiêu tuyển dụng đầu vào (chiều cao, trình độ học vấn, ngoại ngữ, tay nghề), rút ngắn thời gian đăng ký xuất cảnh… là cơ hội lớn cho người lao động.
Thế nhưng, cần phải nhận thức rõ rằng doanh nghiệp Nhật quan tâm và ưu tiên cho lao động Việt Nam nói chung và lao động Bình Định nói riêng không có nghĩa là họ dễ dãi trong tuyển dụng. “Cho đến nay, doanh nghiệp Nhật vẫn áp dụng quy tắc tuyển dụng “3 chọn 1” và đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị số lao động ứng tuyển gấp 3 lần số lao động cần tuyển trong mỗi đơn hàng. Tình trạng bị rớt lại sau nhiều cuộc phỏng vấn làm nhiều lao động mất niềm tin, chán nản, không muốn tham gia ứng tuyển. Thêm nữa, tác phong công nghiệp nhanh nhẹn, kỷ luật cao của doanh nghiệp Nhật cũng khiến một số lao động Việt gặp khó khăn trong những ngày đầu làm quen môi trường làm việc”, ông Phan Văn Lịch, Trưởng Phòng Xuất khẩu lao động Công ty cổ phần Xây dựng 47, trao đổi.
Do vậy, người lao động Bình Định cần nâng cao hơn nữa ý thức, tác phong lao động để tìm kiếm cơ hội và có việc làm bền vững tại Nhật Bản.
NGUYỄN MUỘI