Gã khóc thuê
Truyện ngắn của trần thị tuyết mai
Gã đàn ông cong chiếc lưng gầy guộc gánh lấy đêm. Loạng choạng với chai rượu đã lưng nửa trên tay, gã lảm nhảm những lời cay độc về một cuộc đời khốn nạn nào đó. Nhưng miệng gã, sao như mếu. Những âm thanh ai oán cứ the thé nơi cổ họng, chẳng lọt nổi ra ngoài. Trong con hẻm chật chội, thứ duy nhất sáng lên dưới ánh chiếu ẻo lả của đêm là đôi mắt còn ngấn nước. Và đôi chân trầy trật những bước nhọc nhằn…
Gã vừa kết thúc công việc và đang trên đường trở về nhà. Chỉ vừa mới đây, người ta còn thấy gã lăn lộn điên cuồng trong một đám ma, cùng với những lời lẽ tiếc thương cho người đã khuất, cùng với những cơn nấc giàn giụa nước mắt - cảnh tượng mà bất kỳ một kẻ lạnh lùng nào cũng phải động lòng cảm thương. Những người dự đám ma, họ thật đã nghĩ rằng người nằm trong quan tài kia hẳn phải rất hạnh phúc vì có được một người con (hoặc bạn) tốt như gã. Nhưng họ đâu biết rằng, gã chỉ đang cố để ép mình ban phát những giọt nước mắt cho một người dưng. Ở đâu người ta lại dễ dàng cho đi nước mắt của mình vì một ai đó họ không hề quen biết? Chỉ có những kẻ như gã. Mà có phải gã cho đâu, gã bán nước mắt hẳn hoi đó chứ…
“ Lại có loại công việc như vậy sao ?”
“Thật ghê tởm”
“ Diễn giỏi quá đi chứ”
Họ đã chỉ vào gã và ban tặng những kiểu dè bỉu cùng sự khinh miệt như thế. Gã cũng đã từng cảm thấy xấu hổ chứ, cảm thấy gã là một thứ gì đó kinh tởm quá, hệt như trong cái ánh nhìn của họ. Nhưng xấu hổ thì sống được ư? Xấu hổ thì no được ư? Gã đã quật nhau với lòng tự trọng của một kẻ nghèo, và chiến thắng.
Mà đôi khi khề khà suy nghĩ, gã cũng thấy mình làm quái gì phải xấu hổ. Gã không cướp lấy của ai, gã tự mình kiếm lấy miếng ăn lương thiện. Khối kẻ lăn lộn ngoài kia, bán đi cả thân xác để èo uột sống, gã chỉ bán nước mắt thôi, thì sao phải xấu hổ?
Ồ! phải lắm! Nghĩ như thế thì phải lắm! Những lúc tìm ra được một lý do để tự an ủi cái lòng tự trọng thua cuộc kia, gã thấy khoan khoái lạ. Chẳng ai lại mong đợi một cái đám ma. Ai cũng sợ hãi chuyện phải mất đi một người nào đó đã quá quen thuộc với cuộc đời mình. Nhưng cái nghề của gã vốn “ăn theo người chết”. Người ta chết thì gã sống. Và gã là tên thất đức duy nhất vui mừng khi nghe tin một kẻ xấu số nào đó vừa ngừng thở.
***
Đây, cầm lấy rồi khóc cho tử tế vào.
Đứa con trai của cái người đã nằm yên vị trong quan tài kia kéo gã vào góc nhà, rồi dúi vào tay gã tờ hai chục ngàn nhàu nát.
- Tôi xin anh năm chục ngàn, chứ từng này thì bèo quá, coi sao được.
Anh ta trợn mắt nhìn gã:
- Còn trả treo nữa cơ à ? Gớm cái thứ ! Khóc thuê mà cũng trả treo à !!?
- Nhưng bằng này thì tội cho tôi quá…
Gã yếu ớt chống cự, co rúm người khốn khổ. Khuôn mặt gã hơi tái đi, bộ dạng nom đến đáng thương.
- Cái thứ chi dai như đỉa đói, đã bảo như thế là như thế, không khóc thì biến! Nhiêu đó đã là nhiều lắm rồi!
Gã bất lực cầm lấy tờ hai chục, nhét vội vào túi như sợ người ta đổi ý. Thế đấy. Cái nghề của gã nó hèn như thế. Mà phải rồi, nghèo thì phải đi đôi với hèn thôi. Người ta quăng ra đó những đồng bạc lẻ để mua lại những giọt nước mắt. Gã cứ ngoan ngoãn trả cho họ nước mắt. Với những kẻ như gã, nước mắt là gạo, nước mắt là cơm…
Khi tiếng kèn trống vừa dứt, gã lao đến bên cỗ quan tài và bắt đầu công việc của mình.
“Cha ơi… sao cha nỡ bỏ chúng con mà ra đi như thế”.
“ Rồi đây con phải làm sao… cha ơi…”.
Tiếng khóc nỉ non. Tiếng khóc ai oán não ruột. Tiếng khóc bật ra từng tràng dài thành nhịp. Cứ như thế, không hiểu nước mắt từ đâu mà có thể kiên trì chảy mãi không ngớt trên hai gò má của gã. Và trong khi gã đang phải khóc thương “người cha bất đắc dĩ” ấy, thì đứa con trai thật sự của ông ta lại đang bận tiếp chuyện với những vị khách cao quý ngoài kia, bằng những ly bia rót đầy đau xót.
Gã chợt thấy đồng cảm sâu sắc với người đang nằm trong quan tài kia. Ông ta xấu số hơn gã gấp chục lần đấy chứ. Bôi bác thay! Khốn nạn thay! Tự dưng gã khóc thật. Không phải những giọt nước mắt hờ hững, mà là thứ nước mắt cảm thương thật sự. Và những cơn nấc ào ạt hơn, buồn eo óc. Gã đã khóc, cho người vừa chết và cho chính gã.
Đêm. Cái lạnh lẽo len lỏi vào từng thớ da. Và bóng tối như phông nền dội bật thêm những nỗi buồn eo óc. Tiếng khóc vẫn trằn trọc không dứt, dù dường như đã thưa thớt hơn. Gã là kẻ duy nhất còn thức trong đám ma. Cơn đói bắt tay với cảm giác thèm ngủ làm thành nỗi mệt mỏi chạy dài khắp người gã. Gã cố tỉnh táo, kiên trì móc ra những giọt nước mắt. Đôi mắt gã sưng húp, hai mí mắt nặng trịch nước, nặng trịch nỗi chán chường. Thỉnh thoảng gã lại tàn nhẫn vung tay tự tát vào má mình vài cái thật mạnh để chống lại cơn buồn ngủ. Lúc này đây, gã thấy ganh tị thật sự với người chết kia. Ắt hẳn ông ta đang tận hưởng giấc ngủ dài thanh thản, và yên chí rằng vẫn có người đương phải vật vã khóc thương đưa tiễn mình. Gã lại thấy cái sự chết nó cũng không đến nỗi tệ như con người ta thường nói. Chết đi, những con người đáng thương sẽ được giải thoát thật sự khỏi những gánh nặng của cuộc đời mà bấy lâu vẫn quấn chặt lấy họ không tha.
Ô hay! Chết quả là một chuyện tốt đấy chứ! Gã gật gù tự đồng tình với suy nghĩ của mình. Nếu gã chết, gã sẽ không còn phải khốn khổ lo bữa no bữa đói, gã sẽ không phải sống hèn hạ với cái nghề bạc bẽo kia. Sao gã không nghĩ ra điều này sớm hơn?
Nhưng gã lại nghĩ không ổn chút nào. Muốn chết cũng phải có một cái chết cho đàng hoàng, cho bằng với thiên hạ. Phải lắm! Gã phải chuẩn bị đâu ra đó, chuẩn bị thật tươm tất rồi hẵng chết cho hoành tráng!
Gã moi ra từ chiếc gối những đồng bạc cũ kỹ đã dành dụm bấy lâu. Ồ! Nhiêu đây là quá nhiều... Dư sức cho một cái chết ngon lành. Gã dùng nửa số tiền để mua cho mình một cỗ quan tài thật tốt và dăm thứ đồ vặt vãnh cần cho một cái đám ma. Đâu ra đó rồi, gã lại thấy chưa ổn. Khi gã chết đi, ai sẽ khóc đưa gã ? Quả là một vấn đề nan giải. Gã một thân một mình sống ở cái hẻm Xó này bấy nhiêu lâu nay, đào đâu ra một người thân thích. Lắm khi gã cũng chẳng biết mình từ đâu chui ra, mình bắt đầu có trên cái cuộc đời này từ khi nào ? Ừ, khốn nạn thân gã, khốn nạn thân cái thằng khóc thuê như gã. Nhưng gã chợt nghĩ ra cũng chẳng cần quái gì ai, gã tự xoay xở được.
Và gã đã xoay xở như thế nào? Không ai biết. Chỉ biết rằng ngày hôm sau, đám ăn mày trong hẻm Xó đã truyền tai nhau câu chuyện về một gã đàn ông điên rồ nào đó dùng tiền để thuê chúng đến khóc trong cái đám ma của chính gã. Thật điên rồ!
Nhưng gã đàn ông đáng thương ấy, gã đã không bao giờ biết rằng họ cười nhạo gã ra sao, vì gã đã yên tâm nằm gọn trong chiếc quan tài của chính mình, và chờ đợi trong vô vọng những tiếng khóc dành cho gã.
T.T.T.M