Ra phố mưu sinh
Đời sống khó khăn khiến không ít phụ nữ ở nông thôn bỏ quê lên thành phố mưu sinh. Mỗi người một lý do, mỗi người một hoàn cảnh, họ chấp nhận nhọc nhằn, thậm chí rủi ro với hy vọng có thể thêm thắt tí đỉnh cho gia đình.
Hàng ngày, chị Lệ vẫn miệt mài làm nghề thu mua ve chai với mong muốn gia đình mình được no ấm hơn.
Nhọc nhằn mưu sinh
Trước những bấp bênh, rủi ro trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, không thể chỉ trông chờ vào hạt lúa, nhiều phụ nữ nông thôn đã đến thành phố làm công nhân trong các xí nghiệp may mặc, giày da, hoặc đi làm thuê bởi các công việc này không đòi hỏi nhiều về trình độ học vấn, chuyên môn.
Do gia đình nhiều khó khăn nên chị Nguyễn Thị Bình, ở thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân chỉ học hết cấp II. Trưởng thành, chị Bình lập gia đình rồi sinh con, cuộc sống luôn trong khó khăn, túng thiếu. Quanh năm làm ruộng vất vả, chồng thì làm thuê khắp nơi nhưng gia đình chị luôn rơi vào cảnh giật gấu, vá vai. Gần 2 năm nay, chồng chị lại mắc bệnh đau khớp, nên mọi gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên vai chị. Để có thêm thu nhập, chị Bình rời quê vào TP Quy Nhơn giúp việc nhà cho một gia đình ở phường Lý Thường Kiệt. Mỗi tháng, trừ các khoản chi phí, chị dành dụm được gần 2 triệu đồng gửi về cho chồng con. Với những người phụ nữ ở quê như chị, đây là số tiền lớn. Chị Bình trầm tư: “Từ ngày đi làm thuê, cuộc sống gia đình đỡ chật vật, có điều kiện để lo hai đứa con còn nhỏ ăn học, nhưng tôi lại không có điều kiện gần gũi con cái, chăm sóc chồng. Nhiều lúc thương nhớ chồng con đến thắt ruột nhưng cũng đành bấm bụng chịu thôi”.
Cũng với mong muốn thoát khỏi đói nghèo, chị Đặng Thị Lệ, ở thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn vào TP Quy Nhơn làm nghề mua bán ve chai. Chị Lệ tâm sự: “Ở quê, tất cả các khoản chi tiêu, vợ chồng tôi chỉ biết trông vào mấy sào ruộng. Gặp năm lũ lụt, hạn hán, mất mùa thì hết sức túng quẫn”. Lúc trước, vợ chồng chị Lệ đi hái cà phê thuê ở Gia Lai nhưng công việc không ổn định, chị Lệ lại thường xuyên đau ốm do lao lực nhiều mà lại ăn uống kham khổ. Chị thổ lộ: “Hiện giờ tôi đi mua bán ve chai, tuy vất vả nhưng không mất quá nhiều sức lực. Chồng tôi thì về quê làm ruộng, chăm sóc cha mẹ đã già yếu và 4 đứa con còn đi học. Tôi ở đây làm vất vả nhưng chắt góp cũng được ít nhiều gởi về lo cho các con ăn học”.
Được - mất
Với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Với họ, sống xa quê là chuyện bất đắc dĩ, nhằm mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chị Bình, dù mang tiếng là phận làm thuê nhưng niềm vui của chị là có đứa con gái suốt 9 năm liền học giỏi, lại chăm sóc ba và hai em khá chu đáo. Còn từ ngày lên phố, chị Lệ cố gắng làm lụng cũng dành dụm được ít tiền để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm các vật dụng khác trong nhà cho gia đình và hai đứa con nhỏ.
Tuy nhiên, phía sau câu chuyện những người phụ nữ ly hương này là không ít hệ lụy. Có những gia đình, vì người mẹ đi làm ăn xa không có thời gian gần gũi chăm sóc, giáo dục con cái, nên con chơi bời lêu lổng, bỏ học, thậm chí có em còn vướng vào các tệ nạn xã hội. Đó là chưa kể bản thân những phụ nữ tha hương gặp phải nhiều hoàn cảnh éo le. Họ không thể tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro về sức khỏe và an toàn bản thân.
Tưởng hy sinh tất cả cho các con được bằng bạn bè lối xóm, chị Trần Thị Bé, ở xã Phước Hiệp, Tuy Phước đau lòng khi nghe tin con trai lớn bị bắt vì tội trộm cắp. Tất tả từ TP Hồ Chí Minh về quê dự phiên tòa xử con, chị Bé khóc ngất kêu gào: “Tui vất vả lo cho nó đủ thứ có túng thiếu gì đâu mà nào ngờ nó đi ăn trộm của người ta để phải vào vòng lao lý”. Đau lòng hơn khi chị N.T.T., ở xã Cát Lâm, Phù Cát do đi làm xa, để lại đứa con gái 7 tuổi cho bà ngoại chăm sóc, nào ngờ cháu bé bị kẻ xấu hiếp dâm. Chị T. đau đớn, ân hận mãi vì đã không thể chăm sóc con được chu đáo.
Cuộc sống của phụ nữ ở các vùng quê nghèo trong tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại trong lao động sản xuất, việc làm. Vì thế, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ vùng nông thôn càng phải được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa. Thực hiện hiệu quả vấn đề này, chị em mới có cơ hội xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị thế trong đời sống xã hội.
HỒNG PHÚC