Tấm bảng không làm nên văn hóa
Không ai có thể ban phát văn hóa hay đạo đức cho ai, và những danh hiệu không thực chất như thế giờ đây đã thành nỗi đau của một xã hội đang xuống cấp về văn hóa và đạo đức.
“Đến nay cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014”.
19 triệu gia đình “có văn hóa”? Một con số thành tích khiến chính những người tham gia Ban chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong cuộc họp tổng kết năm 2015 cũng thấy “nhột”.
Nhiều ý kiến cho đây là con số ảo, là kết quả của bệnh thành tích, là sự tắc trách của những người có trách nhiệm từ thấp tới cao trong một phong trào có mục đích tôn vinh văn hóa và đạo đức xã hội.
Nhưng có rất nhiều cách tôn vinh văn hóa trong gia đình, ngoài xã hội chứ không chỉ có mỗi một cách “đếm đầu gia đình, chia xôi (treo bảng) văn hóa” như lâu nay vẫn làm. Nếu công bố 19 triệu gia đình có văn hóa, chẳng lẽ 3 triệu gia đình Việt Nam còn lại “không có văn hóa”?
Và đã cơ quan nào tổng kết xem những hành vi thiếu văn hóa hay vô đạo đức đang xảy ra ngày một nhiều trong xã hội là thuộc nhóm gia đình nào? Nhóm “có văn hóa” hay nhóm “không văn hóa”?
Những con số “khủng” khiến chính những người trong cuộc cũng không chịu được thì làm sao thuyết phục được xã hội?
Văn hóa hay đạo đức “Phần nhiều do giáo dục mà nên” (thơ Bác Hồ). Nó phải là cái ở bên trong mỗi con người, mỗi gia đình, nó là nền tảng của đạo đức và sự tồn tại xã hội, chứ không ở những tấm bảng treo bên ngoài mỗi ngôi nhà.
Mỗi ngày đọc báo hay lên mạng, người lương thiện lại bị choáng vì những thông tin “cướp, giết, hiếp” tràn lan. Bảo rằng bây giờ vì Internet, mạng xã hội phát triển dữ quá nên những tin xấu như thế mới được lan truyền rộng rãi thì chỉ đúng một nửa.
Hồi trước có thể thiếu thông tin, nhưng trước đây những sự vụ kiểu như thế quả thật không có nhiều. Đơn cử, như chuyện nữ sinh đánh nhau trong trường học và ngoài đường, hồi xưa cực hiếm. Bây giờ thì phổ biến. Không chỉ đánh còn quay clip tung lên mạng, coi như một trò vui, một “thành tích”(?).
Nếu cứ để những chuyện “không văn hóa” như thế tiếp diễn, nhất là tiếp diễn trong những gia đình được treo bảng “gia đình chuẩn văn hóa”, thì xã hội quả thật không biết đi về đâu.
Giáo dục đừng có quá nhiều bệnh thì những vấn đề rắc rối có thể sớm được phát hiện và tìm được cách giải quyết hay tháo gỡ. Xã hội hay cộng đồng là những tập hợp không đồng nhất, đừng bao giờ treo những tấm bảng vô hồn mà đánh giá sự đồng nhất, vì đó chỉ là sự đồng nhất ảo, là tự an ủi mình về một điều không có thật.
Nhưng ngay bây giờ, vẫn có những giá trị đạo đức hay văn hóa chung, là chuẩn mực cho xã hội. Có điều, khi những chuẩn mực truyền thống đó bị đảo lộn, bị xem thường thì không một “tấm bảng văn hóa” nào cứu lại hay thay thế được.
Cứ nhìn những tấm bảng “gia đình văn hóa” năm sau nhiều hơn năm trước, rồi thấy những tệ nạn, những tội ác cũng năm sau cao hơn năm trước, chúng ta sẽ nghĩ gì?
Theo THANH THẢO (TTO)