Đầu tư mở rộng, cải tạo và nâng cấp Bảo tàng Quang Trung: Cần đồng bộ cả hình thức và nội dung
Vừa qua, Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) đã được khởi công. Bên cạnh đầu tư cho phần “xác” có lẽ cũng cần quan tâm tổ chức thêm nhiều hoạt động phong phú, chất lượng cao hơn, thu hút thêm nhiều khách đến tham quan. Thậm chí những hạng mục phần “hồn” này cần được triển khai trước khi Bảo tàng Quang Trung có “áo mới”.
Khi Dự án mở rộng, cải tạo và nâng cấp Bảo tàng Quang Trung hoàn thành, ngoài nhiều khu chức năng như hiện nay được mở rộng về quy mô, còn có nhiều công trình mới được xây dựng. Bảo tàng Quang Trung sẽ có “bình mới” xứng tầm và đẹp hơn, tuy nhiên, nhiều người quan lại băn khoăn không biết có xảy ra tình trạng “rượu cũ”. Điều này xuất phát từ việc Dự án chỉ mới tập trung vào các công trình xây dựng cơ bản...
Phối cảnh tổng thể Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung.
Đầu tư lớn xây dựng nhiều hạng mục công trình
Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 211,611 tỉ đồng từ vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Dự án bao gồm nhiều hạng mục ở các khu trong Bảo tàng: Khu A: mở rộng, cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày; khu đền thờ; cải tạo nhà diễn võ hiện trạng thành nhà chiếu phim 3D; trụ cờ triều đại Tây Sơn; cải tạo hồ cảnh phía Tây và xây dựng mới hồ cảnh phía Đông; mở rộng, nâng cấp cầu cảnh; cải tạo mương Vân Phong; giả sơn; hạ tầng kỹ thuật... Khu B: cải tạo, nâng cấp nhà làm việc và nhà tiếp khách; xây mới nhà diễn võ; khu vực căn tin và bán quà lưu niệm... Khu C: đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống tượng đá. Khu D: phục dựng chợ trầu; nhà giải khát, bán hàng lưu niệm, chòi nghỉ chân; sân vườn, đường nội bộ...
Hiện nay, đã có 3 hạng mục: Mở rộng, cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung; Cải tạo, nâng cấp nhà tiếp khách; Cải tạo nâng cấp nhà làm việc thuộc Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung đã được Bộ VH-TT&DL có ý kiến thỏa thuận bằng các văn bản; Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng đã thẩm định; UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3428 ngày 2.10.2015. Tổng mức đầu tư thi công thực hiện các hạng mục này là 43,787 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: ‘‘Ngoài ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, việc triển khai thực hiện đầu tư dự án còn góp phần giải quyết những khiếm khuyết về phương pháp trưng bày của nhà trưng bày, nhà tiếp khách, hệ thống máy chiếu phục vụ cho tham quan, du lịch, tìm hiểu lịch sử, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu về phát triển du lịch của tỉnh...”.
Cần đầu tư thêm về trưng bày, hoạt động phục vụ khách
Trong giai đoạn đầu của Dự án mở rộng, cải tạo và nâng cấp Bảo tàng Quang Trung, một trong những hạng mục được ưu tiên đó là “Mở rộng, cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày”. Điều này đồng nghĩa bên cạnh việc đổi mới phương pháp trưng bày, thì cũng cần phải có thêm nhiều hiện vật hơn. Tuy nhiên, việc bổ sung hiện vật như thế nào thì hiện vẫn còn “để mai tính” dù việc này phải mất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm, sưu tầm, phục chế.
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Cùng với mở rộng, nâng cấp Bảo tàng qua các công trình xây dựng, chúng tôi mong muốn thời gian tới nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL để có được định hướng cụ thể xây dựng kế hoạch bổ sung thêm hiện vật cho nhà trưng bày”.
Theo thống kê của Bảo tàng Quang Trung, năm 2014, nhờ có nhiều hoạt động sự kiện nên thu hút khoảng 120 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan Bảo tàng. Năm 2015, cũng đã có khoảng 110 ngàn lượt khách đến tham quan.
- Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: VĂN LƯU
Theo đánh giá của lãnh đạo Bảo tàng Quang Trung, hiện đội ngũ thuyết minh viên đã đầy đủ và đều có trình độ đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, cần có kế hoạch nâng cao hơn nữa khả năng hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, trình độ ngoại ngữ, phong cách chuyên nghiệp... để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tạo ấn tượng cho khách tham quan Bảo tàng Quang Trung khi đã được nâng cấp.
Đội nhạc võ đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Bảo tàng Quang Trung. Tuy nhiên, đã có nhiều du khách và cả những người trong ngành du lịch góp ý chương trình nhạc võ còn chưa phong phú, chậm được đổi mới, lực lượng diễn viên đã có tuổi, một số tiết mục biểu diễn võ thuật chất lượng chưa cao... “Đội nhạc võ hiện nay có nhiều hạn chế về nhân lực. Nhưng, khắc phục phải bằng các giải pháp phải có lý và có tình. Đây là điều đến nay Bảo tàng vẫn khó tháo gỡ được, nếu không có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp trên. Bởi, đối với những diễn viên, nhạc công đã có quá trình cống hiến nhưng đã có tuổi, hay không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn thì cần có chế độ giải quyết “đầu ra” để làm việc khác, hoặc có sự đền bù thỏa đáng để động viên họ nghỉ... mới có thể bổ sung được lực lượng biểu diễn trẻ trung, có chất lượng hơn”, ông Châu Kinh Tú chia sẻ.
Ngoài những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ ngay từ bây giờ Sở VH-TT&DL cần có sự “đón đầu” chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, bàn bạc xây dựng kế hoạch tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, biểu diễn sinh động hấp dẫn hơn để phát huy được cơ sở vật chất đầu tư hoành tráng. Chẳng hạn, có thể tổ chức thường xuyên hội đánh bài chòi dân gian, biểu diễn dân ca, bài chòi; tổ chức dạy võ cổ truyền Bình Định cho du khách; chọn lọc biểu diễn với thời lượng phù hợp những trích đoạn trong các vở diễn tiêu biểu của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn có nội dung liên quan đến phong trào Tây Sơn hào hùng.
HOÀI THU