An toàn truyền máu - những góc nhìn mới
Lần đầu tiên, một hội thảo về an toàn truyền máu và truyền máu lâm sàng quy mô lớn được tổ chức tại Bình Định, với sự tham gia của cán bộ y tế, nhà khoa học, chuyên gia về huyết học đến từ các nước Đức, Nhật Bản, Úc, Singapore và từ 18 tỉnh, thành phố khác trong nước. Tại đây, nhiều vấn đề chuyên sâu được đặt ra để công tác truyền máu ngày càng đảm bảo an toàn.
Hội thảo An toàn truyền máu và Truyền máu lâm sàng khu vực miền Trung - Tây Nguyên do BVĐK tỉnh Bình Định và Trung tâm Huyết học - Truyền máu (HH-TM), Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức đầu tháng 12.2015. Đặc biệt tại Hội thảo, cử tọa đã được GS.TS David John Roxby, Trưởng khoa TM, Bệnh viện South Australia, Đại học Flinders (Úc) thuyết trình một số chuyên đề quan trọng.
An toàn truyền máu phải đảm bảo từ khâu lấy máu.
Nhiều thông tin bổ ích
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Trung tâm HH-TM (Bệnh viện Trung ương Huế) đã phân tích các vấn đề về lợi ích và nguy cơ của truyền máu, quản lý máu, các bước thực hiện an toàn truyền máu, các biện pháp để bảo đảm an toàn truyền máu, quá trình vận động hiến máu tình nguyện.
Đáng chú ý, GS.TS David John Roxby - “tâm điểm” của hội thảo - đã cung cấp một lượng kiến thức lớn mang tính chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực, như “Nhóm máu ABO, Rh và các hệ nhóm máu khác”, “Các bất thường trong định nhóm máu ABO và Rh”, “Sàng lọc kháng thể, định danh kháng thể và các vấn đề về phản ứng chéo”, “Những quan điểm hiện hành trong thực hành truyền máu”, “Lấy máu, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển máu và sản phẩm máu”, “Huyết thanh nhóm máu tiền sản và bệnh lý tán huyết ở thai nhi, trẻ sơ sinh”, “Giải quyết các bất động nhóm máu và truyền máu như thế nào”, “Truyền máu trong bệnh lý thiếu máu tán huyết miễn dịch”, “Chảy máu và truyền máu khối lượng lớn”, “Truyền máu hỗ trợ trong ghép tủy và ghép tạng đặc”.
Theo TS Đồng Sỹ Sằng, Trưởng khoa TM, Trung tâm HH-TM (Bệnh viện Trung ương Huế), kiến thức về lĩnh vực an toàn truyền máu và truyền máu lâm sàng phát triển rất nhanh và ngày càng tiến bộ, tăng cường tính an toàn cho người bệnh. Những thông tin cập nhật tại hội thảo rất bổ ích với bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc ở các trung tâm HH-TM và cả các bác sĩ, điều dưỡng lâm sàng.
Kỹ thuật viên Trung tâm HH-TM, BVĐK tỉnh thực hiện xét nghiệm máu.
Tránh phản ứng truyền máu
Định nhóm máu là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an toàn truyền máu. Theo bác sĩ Võ Đình Lộc (Trung tâm HH-TM, BVĐK tỉnh Bình Định), lâu nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam vẫn thực hiện định nhóm máu từ phản ứng hòa hợp ở mức độ môi trường đơn giản. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả truyền máu thì phải tiến hành sàng lọc kháng thể bất thường, định danh kháng thể bất thường, và quan trọng nhất là truyền máu cùng phenotype. Trên thực tế đã có tình trạng phản ứng truyền máu, do bản thân bệnh nhân hoặc túi máu có những kháng thể vẫn đang hoạt động. “Môi trường của chúng ta không thể phát hiện được, còn điều kiện của các nước phát triển như nơi GS Roxby làm việc thì có thể sàng lọc kháng thể bất thường hoặc phản ứng chéo, chẩn đoán và phát hiện sớm các rối loạn, phản ứng chéo không phù hợp để tránh những hiện tượng phản ứng truyền máu trong thực tế lâm sàng”, bác sĩ Lộc phân tích.
Một vấn đề quan trọng khác mà GS Roxby đặt ra là sự cần thiết phải có phần mềm quản lý máu. Khi túi máu được lấy ra khỏi cơ thể người cho thì được mã hóa ngay, để được tầm soát, truy nguyên ở bất cứ đâu. Nhờ đó, kể cả các bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh phòng cũng biết được túi máu này có gì bất thường đáng lưu ý, có chứa kháng nguyên không an toàn với bệnh nhân không, có phù hợp với đặc điểm của bệnh nhân cần truyền máu hay không. “Phần mềm quản lý máu là công cụ hữu hiệu để quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng truyền nhầm nhóm máu. Các bạn nên bắt tay ngay vào việc đưa phần mềm này vào thực tiễn công tác y tế”, GS Roxby chia sẻ.
Bên cạnh các kiến thức chung, GS Roxby cũng đề cập đến an toàn truyền máu trong một số trường hợp đặc biệt, nhất là với bệnh nhân mạn tính hay mất máu ồ ạt. Chẳng hạn, bệnh ung thư sẽ sinh ra những kháng thể bất thường trên cơ thể bệnh nhân, cần được áp dụng các kỹ thuật mới nhất như hấp thụ hoặc dung ly để loại bỏ những kháng thể trên hồng cầu, huyết thanh, tránh phản ứng khi truyền máu.
Đối với các trường hợp rối loạn đông máu do chảy máu khối lượng lớn (hay gặp ở nạn nhân TNGT), mất máu ồ ạt hay phẫu thuật truyền máu nhiều (trên 5-6 lít/cuộc mổ) thì phải kiểm soát chặt bằng những công thức chính xác dựa trên cân nặng, lượng máu mất đi... GS Roxby cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết từ những ca lâm sàng cụ thể, hỗ trợ cho cán bộ y tế địa phương bằng kinh nghiệm thực tiễn bản thân. “Ở những bệnh nhân xuất huyết nặng cần hoặc dự kiến cần truyền máu lượng lớn, 1 phác đồ truyền máu lượng lớn nên được sử dụng bao gồm liều lượng, thời gian và tỉ lệ giữa các thành phần máu”, ông nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG
“Đảm bảo an toàn trong truyền máu là vấn đề vô cùng quan trọng trong thực hành y khoa. Đây là một quy trình khép kín bao gồm nhiều giai đoạn, từ khi tuyển chọn người hiến máu, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm sàng lọc, thu thập máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu giữ, phân phối máu… đến chỉ định truyền máu và thực hành truyền máu trên lâm sàng. Bất kỳ sai sót trong một khâu nào đó cũng đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”.
Bác sĩ TRẦN VĂN LƯỢNG, Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm HH-TM (Bệnh viện Trung ương Huế).