An Lão: Xây Cụm công nghiệp rồi... bỏ hoang
Từ năm 2008, huyện An Lão đã quy hoạch, xây dựng và đưa vào khai thác 2 Cụm công nghiệp (CCN) Gò Bùi và Gò Cây Duối. Song hiện nay, phần lớn diện tích đất trong các CCN này đều trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở địa phương.
Đất bị bỏ hoang
CCN Gò Cây Duối (thôn Long Hòa, xã An Hòa) được quy hoạch với diện tích 14,1 ha do UBND huyện An Lão làm chủ đầu tư. Nhưng đến nay, chỉ 3/8 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký vào sản xuất, kinh doanh đã xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, với diện tích đăng ký khoảng 3,5 ha.
CCN Gò Bùi sau nhiều năm hình thành nhưng chưa có đơn vị nào xây dựng hạ tầng hoạt động.
Còn ở CCN Gò Bùi, rộng gần 11,7 ha (thị trấn An Lão), đến thời điểm hiện tại cũng chỉ thu hút được 5 nhà đầu tư đến đăng ký thuê đất, với diện tích 4 ha, nhưng chưa có đơn vị nào xây dựng hạ tầng để hoạt động. Do vắng bóng doanh nghiệp, CCN Gò Bùi gần như trở thành khu đất “vô chủ”. Cỏ mọc um tùm trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương.
Để xây dựng 2 CCN kể trên, huyện An Lão phải thu hồi một lượng lớn đất sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch UBND thị trấn An Lão, ái ngại: “CCN Gò Bùi xây dựng đã lâu nhưng chưa có nhà đầu tư nào vào. Thật lãng phí tài nguyên. Trước năm 2008, đất ở CCN Gò Bùi được địa phương cho đấu giá quyền sử dụng đất, bình quân 50 ngàn đồng/sào/vụ. Tuy số tiền thu vào ngân sách địa phương mỗi năm không lớn, nhưng so với thực trạng đất bỏ hoang như hiện nay, tôi thấy quá lãng phí!”.
Nhìn cả vùng đất rộng bị bỏ hoang, nhiều nông dân nơi đây không khỏi bức xúc. “Đất thu hồi của dân đã gần 8 năm nay nhưng không thấy làm cái gì cho có ích, lãng phí vô cùng. Hơn nữa, mỗi khi họp dân, chúng tôi phản ánh thì cán bộ nào cũng bảo là sắp rồi, sắp triển khai rồi nhưng rồi mãi vẫn chẳng thấy gì”, một người dân địa phương chê trách.
Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức là 1 trong 3 đơn vị đã xây dựng hạ tầng và hoạt động tại CCN Gò Cây Duối.
Không chỉ là chuyện thu hồi!
Theo ông Trương Văn Hào, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện An Lão, đến nay, 2 CCN Gò Cây Duối và Gò Bùi đã có 13 đơn vị đăng ký sản xuất kinh doanh; song chỉ có 3/13 đơn vị đã hoạt động; hiệu quả mang lại khá thấp. “10 đơn vị còn lại dù đã đăng ký thuê đất xây dựng hạ tầng để hoạt động đã lâu (trung bình từ 2 - 3 năm/đơn vị), song đến nay, vẫn chưa triển khai. Với những đơn vị này, UBND huyện An Lão đã gửi văn bản thông báo đề nghị thu hồi đất để chuyển giao cho các công ty, cá nhân khác có nhu cầu; công tác thu hồi sẽ hoàn thành trong tháng 12.2015”, ông Hào cho biết thêm.
Đất thu hồi của dân đã gần 8 năm nay nhưng không thấy làm cái gì cho có ích, lãng phí vô cùng. Hơn nữa, mỗi khi họp dân, chúng tôi phản ánh thì cán bộ nào cũng bảo là sắp rồi, sắp triển khai rồi nhưng rồi mãi vẫn chẳng thấy gì
Nói về nguyên nhân của việc 2 CCN Gò Cây Duối và Gò Bùi thu hút đầu tư kém, ông Huỳnh Minh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện An Lão, nêu lên hàng loạt vấn đề: “Kinh phí hạn hẹp, dẫn tới việc đầu tư hạ tầng ở 2 CCN còn hạn chế. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp thoát nước, đường giao thông, xử lý chất thải tại CCN chưa được xây dựng đồng bộ. Với lại nguồn nguyên liệu không đảm bảo, chi phí nhân công lại cao, giao thông đi lại không thuận lợi, khiến kết quả thu hút đầu tư vào CCN đạt thấp”. Còn ông Nguyễn Trực, Chánh văn phòng UBND huyện An Lão, thì kiến nghị: “UBND tỉnh cần hỗ trợ kinh phí để huyện xây dựng cơ sở hạ tầng trong các CCN; sớm ban hành các chính sách hỗ trợ như đầu tư hạ tầng giao thông, lưới điện… để thu hút các nhà đầu tư”.
Không rõ đề nghị trên có được chấp nhận hay không nhưng trước mắt là đất ở 2 CCN trên vẫn ở trong tình trạng bỏ hoang và trách nhiệm thì vẫn phải là của chủ đầu tư.
TRỌNG LỢI
Đến nay, tại 2 CCN Gò Bùi và Gò Cây Duối có tất cả 13 đơn vị đăng ký thuê đất để sản xuất, kinh doanh. Hiện, có 3 đơn vị xây dựng hạ tầng để hoạt động, bao gồm: Công ty TNHH Thuận Đức, Công ty Long Quân và Cơ sở chế biến gỗ Dương Xứng (đều ở CCN Gò Cây Duối). 10 đơn vị còn lại, tuy đã đăng ký thuê đất, nhưng chưa hoạt động.