“Tiếp sức” cho cô đỡ thôn bản
Từ 1.5.2013, cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế, được nhận lương như các nhân viên y tế khác. Ðây là tin vui với những người gần dân, có nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở cơ sở.
Theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, đến đầu năm 2013, toàn tỉnh có 48 cô đỡ thôn bản. Các cô đỡ được đào tạo 6 tháng ở Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đỡ đẻ và được cung cấp gói đẻ sạch.
Thầm lặng
Làng L4, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, có vỏn vẹn 35 nóc nhà với 142 nhân khẩu. Vậy nhưng, làng có đến 36 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Từ năm 2006 đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (CSSKBMTE) của làng đều do một tay chị Đinh Thị Tre đảm nhận.
Đinh Thị Tre bắt đầu làm cô đỡ cho làng từ sau đợt tập huấn năm 2006 ở Bệnh viện Từ Dũ. Người đầu tiên được Tre đỡ đẻ chính là em gái của chị. Sau đó, chỉ trong năm 2007, chị liên tiếp đỡ đẻ cho 4 ca tại nhà. “Hầu hết những người này đều sinh con lần 2, lần 3, ngại đến cơ sở y tế để sinh. Từ năm 2008 đến nay, qua vận động, ở Làng L4 đã chấm dứt hẳn tình trạng sinh tại nhà”, chị Tre cho biết.
“Sở Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát lại số cô đỡ thôn bản đủ tiêu chuẩn hiện còn làm việc để thực hiện chế độ hỗ trợ. Một hoạt động trọng tâm khác là xây dựng kế hoạch đào tạo, xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản để đáp ứng nhu cầu thực tế”.
Ông TRƯƠNG KIM ANH, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Sở Y tế
Không còn sản phụ sinh con tại nhà, nhiệm vụ của cô đỡ mới 30 tuổi này chủ yếu là tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời gian mang thai, chăm sóc mẹ và trẻ sau sinh. Chị tâm sự: “Gian nan nhất là tuyên truyền để chị em đi khám thai định kỳ. Có người được nhắc nhở thì đi khám ngay, nhưng cũng có người mình phải nhiều lần đem xe máy đến tận nhà chở đến trạm”.
Thực tế cho thấy, cán bộ y tế tuyến xã rất khó thực hiện được những dịch vụ về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh tại các thôn vùng núi cao, xa xôi. “Từ đó mới thấy vai trò quan trọng của cô đỡ thôn bản. Không chỉ đơn thuần là theo dõi, quản lý thai, họ còn tiên liệu được những ca đẻ khó, vận động đến cơ sở y tế sinh đẻ an toàn, thầm lặng góp sức cho công tác CSSKBMTE”, Đội trưởng Đội BVCSBMTE - KHHGĐ của Trung tâm Y tế huyện An Lão Hoàng Thị Mỹ Lê nhìn nhận.
Trong khi đó, huyện An Lão là địa phương phát triển mạnh nhất mạng lưới cô đỡ thôn bản với 31 người đang hoạt động. Tại nhiều nơi, lực lượng này là “chủ công” trong công tác CSSKBMTE, điển hình như tại xã vùng cao An Toàn, Trạm y tế xã chưa có chuyên trách sức khỏe sinh sản.
Tiếp sức
Theo bác sĩ Cao Thị Minh Ẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, các chỉ số CSSKBMTE ở một số xã miền núi, vùng cao vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Số phụ nữ có thai được khám ít nhất 3 lần/thai kỳ ở 3 huyện miền núi trong năm 2012 chỉ đạt 94,1%, tỉ lệ bà mẹ đẻ được nhân viên y tế chăm sóc chỉ đạt 89,1%. Một trong những giải pháp để cải thiện các chỉ số này là phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản.
Tuy nhiên, việc gầy dựng lực lượng này không phải dễ. Y sĩ Lý Thị Ngọc Lan, Đội trưởng Đội BVCSBMTE - KHHGĐ của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Dù rất quan tâm, nhưng chúng tôi vẫn chưa có được cô đỡ ở các làng xa trung tâm như Kon Trú, O2 (xã Vĩnh Kim), K8 (xã Vĩnh Sơn). Nguyên nhân chính là chế độ hỗ trợ cho đối tượng này hầu như chẳng có gì”.
Trong giai đoạn 2013-2016, tỉnh ta đặt mục tiêu đào tạo 60 cô đỡ thôn bản cho các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh theo chương trình hỗ trợ của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế.
Khi mô hình cô đỡ thôn bản ra đời, các cô đỡ có vai trò quan trọng, nhưng không kiêm nhân viên y tế thôn chỉ được hỗ trợ… 50.000 đồng/tháng (!). Ðiều đó dẫn đến tình trạng một số cô đỡ bỏ nghề, hoặc thiếu nhiệt tình, tâm huyết với công việc.
Khó khăn trên sẽ phần nào được tháo gỡ với Thông tư 07 quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản vừa được Bộ Y tế ban hành. Theo đó, cô đỡ thôn bản được công nhận là nhân viên y tế thôn bản, được nhận 0,5 hệ số lương cơ bản đối với các vùng khó khăn và 0,3 mức lương cơ bản tại các xã còn lại. Đồng thời, họ cũng sẽ được đào tạo chuẩn hóa về trình độ chuyên môn.
Sự ra đời của Thông tư này kịp thời động viên, ổn định đội ngũ cô đỡ thôn bản đã được đào tạo tham gia các hoạt động cung cấp các dịch vụ theo dõi, CSSKBMTE. “Công tác quản lý, chăm sóc thai sản ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng”, bác sĩ Cao Thị Minh Ẩn bày tỏ.
Còn theo bà Hoàng Thị Mỹ Lê, mức lương hơn 500 ngàn đồng/tháng tuy không nhiều nhưng là sự khuyến khích, ghi nhận công sức của các cô đỡ. Có thêm thu nhập, họ sẽ yên tâm hơn, tận tụy với nghề hơn. Hiệu quả bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là của bà mẹ, trẻ em sẽ được thực hiện tốt ngay từ tuyến cơ sở.
NGUYỄN VĂN TRANG