Mô hình liên kết may gia Công xã An Hòa (huyện An Lão): Giải quyết việc làm cho phụ nữ miền núi
Năm 2015, Phòng LÐ-TB&XH huyện An Lão, Hội LHPN xã An Hòa (huyện An Lão) phối hợp xưởng may tư nhân xây dựng mô hình liên kết may gia công, giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương.
Đến nay, 70 lao động nữ tham gia 2 lớp dạy nghề may gia công do Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão và Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức đều có cơ hội việc làm sau khi ra nghề tại xưởng may gia công của vợ chồng chị Nguyễn Thị Dệt (31 tuổi, ở thôn Xuân Phong Tây, xã An Hòa). 30 học viên còn lại của lớp may gia công cũng có cơ hội việc làm tương tự sau khi hoàn thành khóa học.
Việc làm gần nhà
Hoàn thành khóa học may gia công vào cuối tháng 11.2015 nhưng chị Huỳnh Thị Bích Vân (32 tuổi, ở thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa) đã được trả công từ khi vừa theo lớp học may 2 tuần với mức 50.000 đến 60.000 đồng/ngày nhờ sớm làm ra sản phẩm chất lượng. Hiện nay, chị đã được trả công 120 ngàn đồng/ngày. Chị Vân cho biết: Từ trước đến nay, thu nhập trong nhà đều trông chờ vào chồng chị làm nghề tài xế. Vài tháng gần đây, chị có thêm lương, chi tiêu trong nhà cũng đỡ chật vật. Mức lương này khá lớn với những người trước giờ chỉ chuyên nội trợ hoặc làm thuê, làm mướn như chị. Mặt khác, vì cơ sở gần nhà, chị có thể tranh thủ để chăm lo cho hai con còn nhỏ.
Không chỉ tạo điều kiện cho phụ nữ nặng gánh gia đình như chị Vân, nhiều cô gái trẻ khác cũng tìm thấy cơ hội việc làm gần nhà. Mỗi ngày, Nguyễn Thị Thu Vương (24 tuổi, ở thôn Thuận Hòa, xã An Tân) đều chạy xe hơn 1 cây số để đến xưởng may của chị Dệt. Đã tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng của một trường Cao đẳng ở TP Đà Nẵng, nhưng vì chưa tìm được việc đúng ngành nghề đào tạo, Vương rẽ ngang qua nghề may. Được cô giáo dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, lại thêm tính khéo léo, tỉ mỉ vốn có, Vương nhanh chóng hoàn thành khóa học và nhận về những đồng lương đầu tiên. Vương bảo: “Thời buổi tìm việc khó khăn, có việc làm thì mình phải trân trọng. Được làm gần nhà, không phải lo tiền ăn, ở, nhà trọ, tiền lương mỗi tháng cũng giúp tôi phụ giúp cha mẹ, trang trải cho những nhu cầu cá nhân”.
Theo chị Nguyễn Thị Dệt, có khoảng 40 lao động đang làm việc tại xưởng may gia công của vợ chồng chị. Thợ mới ra nghề có thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng; thợ “cứng” tay nghề kiếm được trên 3 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ tăng ca khi hàng nhiều. Ngoài số thợ cố định tại xưởng, còn có 4 tổ may gia đình (trung bình 5 lao động/tổ) cũng đang nhận gia công sản phẩm cho xưởng của chị.
Gắn bó với lao động địa phương
3 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dệt quyết định rời TP Hồ Chí Minh về lại quê hương mở cơ sở gia công cho các công ty may mặc. Lúc đầu, cơ sở của anh chị nhận khoảng 20 thợ may địa phương và giúp họ có nguồn thu ổn định. Nhận thấy anh chị có nhu cầu tiếp nhận thêm về lao động để đáp ứng nguồn hàng ngày một phát triển, Hội LHPN xã An Hòa đã đặt vấn đề xây dựng mô hình liên kết may gia công, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương và nhận được sự đồng ý. Trong năm 2015, cơ sở của chị Dệt ban ngày là nơi gia công sản phẩm, đến đêm lại là lớp dạy may của giáo viên Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh. Để mở rộng mô hình, Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh còn hỗ trợ cơ sở của chị Dệt 12 máy may và 1 máy vắt xổ.
Anh Nguyễn Xuân Duy (36 tuổi) - chồng chị Dệt chia sẻ: “Phát triển cơ sở trên quê hương mình, tạo điều kiện cho chị em địa phương là nguyện vọng của vợ chồng tôi. Nay được Hội LHPN xã tạo điều kiện và kết nối, chúng tôi rất vui mừng. Trân trọng sự giúp đỡ, phối hợp này, chúng tôi cố gắng giữ mối quan hệ với doanh nghiệp để phát triển nguồn hàng, có việc đều đều cho lao động tại cơ sở”.
“Xác định mô hình liên kết may gia công sẽ góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương, Hội LHPN xã, UBND xã, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã quan tâm, tạo điều kiện. Năm nay, số lớp may, số học viên đăng ký học may lớn hơn mọi năm. Đặc biệt, lao động học xong đều có việc làm khẳng định tính hiệu quả của mô hình”, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã An Hòa trao đổi.
NGUYỄN MUỘI