Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng:
Cần được nâng “chất”
Trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng đã góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hiện nay, nhu cầu TGPL trong hoạt động tố tụng ngày càng tăng. Ðể phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cần nâng cao chất lượng hoạt động của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên…
Bảo vệ quyền lợi đối tượng yếu thế
Thực hiện Thông tư số 10/2007 của liên bộ (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 10) về TGPL trong hoạt động tố tụng, đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước (thuộc Sở Tư pháp, gọi tắt là TT) và các chi nhánh thuộc TT đã niêm yết 90 bảng thông tin về TGPL, hơn 20.000 tờ gấp pháp luật, mẫu đơn TGPL và các tài liệu pháp luật có liên quan đến TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng là: CSĐT, Viện KSND, TAND các cấp; cung cấp danh sách và địa chỉ liên lạc của 13 trợ giúp viên pháp lý và 16 luật sư cộng tác viên của TT để các cơ quan này tiện liên hệ khi cần.
Trong 5 năm 2008-2012, TT đã thụ lý và cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng từ giai đoạn ban đầu điều tra, truy tố đến kết thúc là xét xử tại tòa án, gồm 829 vụ án hình sự và 54 vụ dân sự (trung bình 176,6 vụ/năm). Trong đó, tỉ lệ luật sư cộng tác viên thực hiện đạt 69%. Theo đánh giá chung của lãnh đạo một số cơ quan tiến hành tố tụng ở tỉnh và một số huyện, các trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong quá trình TGPL trong hoạt động tố tụng, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định.
Tham dự phiên tòa xử con trai phạm tội cướp giật tài sản tại TAND TP Quy Nhơn mới đây, chị N.T.H. (ở phường Nhơn Phú, Quy Nhơn), cho biết: “Con tôi phạm tội khi nó mới hơn 16 tuổi nên được TGPL miễn phí. Ngay sau khi gia đình có đơn yêu cầu, TT đã cử luật sư cộng tác viên đến tham gia ngay từ khi cháu bị bắt. Tôi ít học, cũng chẳng có tiền bạc gì nhiều nên mọi việc đều nhờ vào luật sư bào chữa miễn phí”.
Danh sách luật sư cộng tác viên tham gia cộng tác với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh là 16 người, nhưng thực chất chỉ có 3-4 người cộng tác thường xuyên. Về vấn đề này, một luật sư bày tỏ quan điểm của mình: “Việc phân công luật sư cộng tác viên tham gia TGPL trong hoạt động tố tụng hiện không đều. Có luật sư tham gia 50-60 vụ/năm, song có người chỉ một vài vụ/năm. Do đó, TT cần chủ động phân bổ cho đồng đều hơn. Ngoài ra, chế độ chính sách cho luật sư cộng tác viên không những ít mà thủ tục thanh toán cũng rất rườm rà. Mỗi lần đến làm việc tại nơi nào đó lại phải có xác nhận, ký đóng dấu của thủ trưởng hoặc chính quyền địa phương, trong khi thực tế có lúc mình không gặp được họ, nhưng nếu thiếu thì không được thanh toán. Vì vậy, có những lúc tôi bỏ luôn, không làm thanh toán nữa…”.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, vẫn còn tình trạng một số trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên thiếu nhiệt tình, tham gia chưa đầy đủ trong các hoạt động tố tụng, nhất là việc tiếp xúc với các bị can, bị cáo, với gia đình, chính quyền địa phương. Chất lượng tranh tụng tại một số phiên tòa có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên cũng còn hạn chế; luận cứ bào chữa trong một số vụ án chưa có tính thuyết phục. Mặt khác, cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa cử người làm cộng tác viên TGPL với TT theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007, nên còn hạn chế trong việc phối hợp các hoạt động TGPL.
Một thẩm phán tại TAND Quy Nhơn đã có lần nhận xét: “Có luật sư khi ra bào chữa đã đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm án cho bị cáo theo kiểu trớt quớt: nếu không xử tù giam thì cho hưởng án treo cũng được(!). Thực ra, có rất nhiều tình tiết nếu được luật sư đào sâu tìm hiểu thì có thể đưa ra những chi tiết để hội đồng xét xử xem xét giảm án”.
Để nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10 do TT tổ chức tại Quy Nhơn mới đây, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh, đã đề xuất: Các cơ quan tiến hành tố tụng cần nhận xét về chất lượng TGPL của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên của TT 2 lần/năm để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng. Đồng thời, các cơ quan nên cử một cán bộ làm cộng tác viên với TT, có nhiệm vụ liên hệ với TT hoặc với người trực tiếp tiến hành tố tụng để TT kịp thời cử người TGPL tham gia, đảm bảo việc tham gia tố tụng cho các đối tượng thuộc diện được TGPL theo quy định.
THU HÀ