“Nghệ sĩ quần chúng” Quý Nhất: Tâm huyết với văn hóa phong trào
Đa tài, chịu khó học hỏi, có nét diễn biểu cảm đặc trưng mỗi khi lên sân khấu, tràn đầy nhiệt tình cống hiến cho văn hóa phong trào và bảo tồn di sản văn hóa… là nhìn nhận của bạn bè, đồng nghiệp, khán giả thân thiết về Quý Nhất. Còn chị tự nói về mình: “Trời thương cho mình chút năng khiếu nghệ thuật để mình làm nghề, “kiếm cơm”, mình nhất quyết không được phụ…”.
Mê dân ca bài chòi từ bé
Cha của Quý Nhất (tên đầy đủ: Nguyễn Thị Quý Nhất) là ông Nguyễn Phu, nguyên Trưởng Đoàn Dân ca Nghĩa Bình (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định ngày nay). Yêu sâu nặng bộ môn nghệ thuật này, khi còn sống, ông Nguyễn Phu vẫn thường ao ước - giá mà cả ba đứa con, ai cũng yêu và theo nghề ông. Cha mất khi Quý Nhất chỉ 8 tuổi, song ký ức về những bồi đắp, ủng hộ của cha hướng con gái đi theo con đường dân ca bài chòi thì rõ mồn một và đầy ắp trong chị.
Quý Nhất (người giữa) tham gia biểu diễn một trích đoạn bài chòi cổ trong Liên hoan nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung - 2015 tổ chức tại TP Quy Nhơn.
Khi Quý Nhất mới 2 tuổi, đã được cha dẫn lên Đoàn, xem tập, diễn. Những khi ấy, cô bé ngồi gọn lỏn trong lòng cha, bàn tay ông nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của con, ngắt nhịp câu hát. Quý Nhất cũng lại rất khoái xem các cô, chú diễn viên hát, làm vai, về nhà thường bắt chước làm theo.
Có lẽ vì vậy, những ngày nhập học đầu tiên ở lớp Dân ca khóa IV - Trường Trung cấp VHNT Bình Định, Quý Nhất khiến thầy cô, bạn bè ngạc nhiên khi nắm cơ bản các làn điệu, cách nhấn nhá, các vai diễn, trích đoạn dân ca bài chòi.
Thu Quý, chị gái của Quý Nhất kể lại: “Trong ba chị em, Nhất đáp ứng tốt nhất tâm nguyện cho con nối nghề của cha. Gia đình vẫn thường nhắc lại kỷ niệm năm Nhất lên 7, em âm thầm tập hợp các bạn trong xóm, phân vai, dạy vai cho mỗi người, chuẩn bị “công diễn” vở “Công chúa Tô Lan”. Nhất còn lén cha lấy một xấp giấy mời của Đoàn, gửi “khán giả” là những hàng xóm gần nhà để mời đến xem. Biết chuyện, cha không la rầy, ông cười khà khà ra vẻ hài lòng lắm, háo hức không kém gì con gái, rồi chính cha trang trí, biến cái giường 1,6 m tốt nhất của gia đình thành sân khấu xinh xắn cho buổi biểu diễn tại gia. Chương trình suýt “bể sô”, vì trước lúc diễn, cậu bạn đóng vai hoàng tử Kha-láp bị bạn bè “ghép đôi” đâm mắc cỡ, không chịu tham gia, Nhất kiêm cả hai vai chính…”.
Năng nổ, trách nhiệm trong từng vai trò
Tốt nghiệp trung cấp dân ca, sau đó trải qua hơn 10 năm hoạt động, biểu diễn đầy sôi nổi khi làm việc ở Đội Tuyên truyền văn hóa - Bộ đội Biên phòng tỉnh trước khi chuyển sang Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn (phụ trách tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ cho Trung tâm), ở môi trường và với nhiệm vụ nào, Quý Nhất đều giữ tinh thần làm văn nghệ đầy vô tư, nhiệt huyết.
Quý Nhất tâm tình: Văn nghệ phong trào quý ở chỗ trong sáng, hồn nhiên, mình chẳng nề hà, phân biệt vai chính với vai phụ; tham gia tiết mục tập thể cũng nỗ lực hết mình như khi biểu diễn tiết mục của cá nhân mình; chẳng biết “giấu nghề”, sẵn sàng chia sẻ để học hỏi lẫn nhau, lấy sự tiến bộ của cá nhân phục vụ cho sự phát triển của cái chung…
13 năm 6 tháng khoác áo lính văn công biên phòng, Quý Nhất đã góp sức cùng đồng đội làm nên nhiều thành tích cho Bộ đội Biên phòng Bình Định tại các kỳ hội diễn toàn quốc của lực lượng. Riêng chị, 5 lần tham gia hội diễn đều đoạt giải (cá nhân) diễn viên xuất sắc. Thời còn trong quân ngũ, công việc thường xuyên của ca sĩ - diễn viên Quý Nhất thiên về hoạt động biểu diễn, còn vai trò của một cán bộ làm văn hóa văn nghệ, thiên về sáng tác, dàn dựng như hiện tại có phần lặng lẽ hơn. Tuy nhiên, cũng chính trong môi trường công việc mới này, lòng say mê, nhiệt tình của chị lại được phát huy đến mức cao nhất.
Chị Đỗ Thị Thúy, hạt nhân văn nghệ của phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) cho biết: “Không riêng tôi mà nhiều cán bộ, hạt nhân văn hóa cơ sở ở các xã, phường của Quy Nhơn đều cảm mến, trân trọng Quý Nhất bởi lòng nhiệt tâm vì cái chung, vì phong trào, luôn gần gũi với cơ sở, động viên, khuyến khích, gỡ khó, sẵn sàng hỗ trợ cho cơ sở… để tham gia các chương trình, hoạt động văn hóa phong trào”.
Vốn có sở trường về dân ca bài chòi, từ năm 2011 đến nay, sau khi được tập huấn về hội đánh bài chòi dân gian, Quý Nhất tham gia tích cực vào việc diễn xướng trò chơi dân gian độc đáo này trên địa bàn TP Quy Nhơn. Không chỉ nỗ lực làm tốt vai trò hiệu, với trăn trở bảo tồn di sản, Quý Nhất đang cố gắng để tiếp thu, kế thừa bài chòi cổ. “Thầy” dạy bài chòi cổ cho chị, nghệ nhân Minh Đức (Nguyễn Thị Đức) kỳ vọng: “Bài chòi dân gian Bình Định - hát, diễn theo lối cổ rất độc đáo, phong phú, tuy nhiên trong tỉnh chưa có người trẻ kế thừa. Sau một thời gian ngắn được hướng dẫn, Quý Nhất đã có thể tham gia một số trích đoạn bài chòi cổ, tôi rất mong mỏi những người trẻ như Quý Nhất tiếp tục tâm huyết rèn luyện để có thể tiếp tục phát huy được tài năng của mình cống hiến cho việc bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định…”.
SAO LY