“Chạy đua” chống nhồi máu não
6 giờ, bệnh nhân khởi phát cơn đột quỵ nhồi máu não. 7 giờ vào viện, 25 phút sau đó được can thiệp thành công. 9 giờ 30 phút, bệnh nhân bắt đầu tỉnh, cử động được. Đó là ca cấp cứu và can thiệp với thời gian “kỷ lục” tại khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh) để giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, giảm nguy cơ tàn phế, tử vong.
Mỗi bệnh án nhồi máu não tại khoa Thần kinh đều lưu lại các thông tin rõ ràng, chi tiết đến từng phút diễn tiến của từng ca bệnh. Bởi, hiệu quả điều trị phụ thuộc rất lớn vào thời điểm can thiệp sớm hay muộn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trung kiểm tra phản xạ của bệnh nhân Trần Thi.
Vượt cơn nguy kịch
Ca cấp cứu được đề cập ở trên là của bệnh nhân Võ Thị Quế (ở 84 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn). Trò chuyện với chúng tôi sáng qua, cụ bà 84 tuổi này hiển hiện vẻ tinh anh. “Cách đây đúng 1 tuần, ngủ dậy tui vẫn đi lại bình thường thì tự nhiên thấy người như quay đòng đòng, tay chân bên trái không nhúc nhích gì được”, bà kể.
Nhà ở gần BVĐK tỉnh, nên bà Quế được nhập viện rất nhanh. Lúc này thang điểm Glasgow chỉ còn 10/15, cơ lực chỉ còn 1/5. Rất khẩn trương, bà được chụp CT-sanner, phát hiện tình trạng nhồi máu não cấp. 85 phút sau khi phát bệnh, bà được các bác sĩ khoa Thần kinh can thiệp thành công bằng kỹ thuật tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch.
Nằm cùng phòng với bà Quế là ông Trần Thi (75 tuổi, ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước). Ông Thi được đưa vào BVĐK tỉnh lúc 18 giờ 10 phút ngày 7.12, với triệu chứng điển hình của nhồi máu não cấp: chóng mặt, tê yếu nửa người bên phải, liệt mặt. 20 phút sau, ông được can thiệp. Đến 19 giờ, bệnh nhân đã tỉnh táo, cơ lực từ mức 3/5 đã phục hồi hoàn toàn.
“Khỏe hoàn toàn rồi, phải nói là kỳ diệu”, ông Thi vui mừng nói. Để minh chứng, ông tự ngồi dậy mà không cần chống tay lên giường. Theo yêu cầu của Phó Trưởng khoa Thần kinh Nguyễn Văn Trung, ông Thi cử động rất linh hoạt bàn tay, cánh tay bên phải.
Trường hợp can thiệp nhồi máu não mới nhất là bà Trần Thị Dần (59 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước). Sáng 8.12, như thường lệ, bà Dần xuống chợ Diêu Trì bán trái cây. 5 giờ 30 phút, bà bị méo miệng sang trái, nói khó, nửa người bên phải yếu dần. Một người bán hàng cạnh đó gọi điện cho con trai bà Dần - anh Nguyễn Xuân Cường. Anh Cường đưa mẹ vào BVĐK tỉnh. 8 giờ 10 phút, bà Dần được can thiệp, đến 9 giờ đã nói chuyện được, tình trạng méo miệng cũng không còn.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân Trần Thị Dần đã qua cơn nguy kịch.
“Thời gian vàng”
Kỹ thuật tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch được sử dụng trên thế giới từ đầu năm 2000 và ở Việt Nam từ năm 2007. Khoa Thần kinh triển khai kỹ thuật này từ ngày 19.11 với sự chuyển giao của Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh), đến nay đã cứu sống 7 bệnh nhân bị nhồi máu não cấp. Bệnh nhân được dùng Actilyse 50mg với liều lượng 0,9mg/kg trọng lượng cơ thể; trong đó tiêm tĩnh mạch 10%, 90% còn lại được truyền qua bơm tiêm điện trong vòng 1 giờ.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung, tiêu huyết khối chỉ dành cho những bệnh nhân bị tắc mạch máu não. Trước khi áp dụng kỹ thuật này, bệnh nhân cần được chụp CT-scanner sọ não để chẩn đoán xác định bị đột quỵ nhồi máu não chứ không phải đột quỵ xuất huyết não. Cục máu đông sẽ làm cho động mạch trong não bị tắc, ngay lập tức làm giảm lưu thông máu, gây ra tổn thương một vùng nào đó của não.
Để nhận biết người bị đột quỵ, hãy yêu cầu bệnh nhân CƯỜI (xem 1 bên mặt có bị lệch không)- NÓI (xem bệnh nhân có bị lẫn lộn, khó khăn trong diễn đạt lời nói và hiểu lời nói của người khác hay không) - LÀM (nâng hai tay lên cao, xem có bên nào liệt, không thể nâng lên được, hoặc bị hạ thấp dần hoặc rơi xuống ngay). Nếu xuất hiện biểu hiện trên, cần đưa bệnh nhân vào viện càng sớm càng tốt.
Bác sĩ HÀ PHI ĐIỆP, Trưởng khoa Thần kinh, BVĐK tỉnh
“Chúng tôi dùng thuốc tiêu huyết khối đưa vào cơ thể bệnh nhân bằng đường tĩnh mạch, thuốc sẽ làm tan cục máu đông, khơi thông dòng máu và cung cấp máu trở lại cho các vùng não đang bị thiếu máu. Chính vì thế, việc sử dụng kỹ thuật này càng sớm càng tốt vì khi đó cục máu chưa kịp bám chắc vào thành mạch, hiệu quả sẽ cao hơn, khả năng hồi phục sau điều trị càng lớn hơn. Bệnh nhân có thể xuất viện sau 5-7 ngày”, bác sĩ Trung phân tích.
Để có thể áp dụng kỹ thuật tiêu huyết khối cho bệnh nhân nhồi máu não, điều kiện quan trọng nhất là bệnh nhân phải được can thiệp thật sớm, tối thiểu là 4,5 giờ sau khi bị đột quỵ. Theo Trưởng khoa Thần kinh Hà Phi Điệp, kỹ thuật tiêu huyết khối mang lại hiệu quả rất tốt đối với những bệnh nhân được điều trị trong khoảng “thời gian vàng” này. “Có tới gần 50% bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật này đã hồi phục gần như hoàn toàn, số còn lại mức độ tàn phế đã giảm tới gần một nửa”, bác sĩ Điệp cho hay.
Để đảm bảo hiệu quả can thiệp bằng kỹ thuật tiêu huyết khối, người nhà cần phát hiện sớm chứng nhồi máu não, kịp thời đưa người bệnh vào viện. Bên cạnh đó, các bác sĩ tuyến dưới cũng cần hết sức chú ý, rút ngắn thời gian xử lý ban đầu để chuyển viện nhanh nhất có thể.
Hiện tại, kỹ thuật tiêu huyết khối có trong danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được miễn phí tiền thuốc. Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế thì phải trả chi phí cho 1 lọ thuốc Actilyse 50mg khoảng gần 11 triệu đồng - tiết kiệm đến 7 lần so với điều trị bằng kỹ thuật lấy huyết khối qua đường động mạch khi bệnh nhân đến muộn.
NGUYỄN VĂN TRANG