Sẽ tách riêng Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh
Chiều 9.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, thống nhất ban hành Nghị quyết quy định về thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Theo đó, sẽ tách riêng Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh thay vì văn phòng chung như hiện nay.
Văn phòng chung không hiệu quả
Thực hiện Nghị quyết 545 của UBTVQH, tháng 10/2008, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND.
Qua 8 năm hoạt động, mô hình này đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, văn phòng chung phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của khá nhiều chủ thể (Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, Lãnh đạo các ban HĐND). Mặt khác, do nội dung, tính chất, phạm vi hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND khác nhau, khi thực hiện nhiệm vụ cho chủ thể nào lại do lãnh đạo của chủ thể đó trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, mục đích sáp nhập để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy cũng không đạt được khi tại hầu hết các địa phương, quy mô của văn phòng HĐND-Đoàn ĐBQH lớn hơn hai văn phòng trước kia.
Điều 4 Nghị quyết 545 quy định “Kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND nằm trong kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND”. Do vậy, hiện nay Văn phòng được cấp hai nguồn kinh phí hoạt động. Trong đó, bộ phận công chức và người lao động phục vụ hoạt động của HĐND được thụ hưởng từ nguồn ngân sách địa phương, do HĐND phân bổ; bộ phận công chức và người lao động phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH được thụ hưởng từ nguồn kinh phí Trung ương cấp, do VPQH giao dự toán và áp dụng chế độ tự chủ. Xuất phát từ hai nguồn kinh phí này, nhiều địa phương bố trí hai chủ tài khoản, hai kế toán, hai thủ quỹ nên không những khó khăn trong điều hành công tác chuyên môn, mà còn vướng trong tổ chức hoạt động.
“Chốt” biên chế Văn phòng đoàn ĐBQH
Khắc phục những bất cập nêu trên, Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH nêu rõ việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thực hiện trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hiện nay là cần thiết để kịp thời triển khai thực hiện Luật tổ chức Quốc hội vào ngày 1.1.2006.
Văn phòng Đoàn ĐBQH là cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ cho đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thống nhất. Văn phòng Đoàn ĐBQH sẽ được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc thực hiện quy định mỗi đoàn ĐBQH có một văn phòng sẽ không làm tăng biên chế, vì hiện nay hầu hết các đoàn đại biểu Quốc hội đều đã có văn phòng.
“Mô hình Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trực thuộc Văn phòng Quốc hội vừa phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của các nghị viện/quốc hội trên thế giới”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Về cơ cấu, tổ chức, biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ phải nghiên cứu để tổ chức thật gọn và hợp lý. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng thống nhất việc tổ chức biên chế phải gọn, nhưng đề nghị cần căn cứ từ nội dung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương để cân nhắc số lượng biên chế.
Về cơ chế Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm Chánh, Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng điều này là không hợp lý. Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH là phục vụ đại biểu Quốc hội, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội; lương của bộ máy văn phòng này là do Văn phòng Quốc hội cấp. Do vậy, Chánh và Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH phải do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ mỗi địa phương sẽ có một đoàn ĐBQH, có một Văn phòng Đoàn ĐBQH, một Chánh văn phòng và một Phó Chánh văn phòng. Riêng Hà Nội, TPHCM, Nghệ An và Thanh Hóa là 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng đại biểu Quốc hội đông, có 2 đại biểu Quốc hội chuyên trách nên bố trí 2 Phó Chánh văn phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ không tổ chức cấp phòng ở Văn phòng Đoàn ĐBQH mà tổ chức theo các nhóm chuyên viên để phục vụ các mảng công tác của Đoàn ĐBQH do Chánh văn phòng điều hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất quy định cứng số lượng biên chế của Văn phòng đoàn ĐBQH. Cụ thể, với các đoàn đại biểu Quốc hội có dưới 10 đại biểu thì biên chế văn phòng sẽ không quá 8 người; đoàn đại biểu Quốc hội có từ 10 đến dưới 20 đại biểu, biên chế văn phòng không quá 10 người; đoàn đại biểu Quốc hội có từ 20 đại biểu trở lên, biên chế văn phòng không quá 12 người.
Theo Xuân Tuyến (Chinhphu.vn)