Nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: 21 năm tâm huyết với bộ từ điển hơn 4.200 trang
Nhà nghiên cứu, học giả Lộc Xuyên Đặng Quý Địch vừa gởi tặng Hội VHNT tỉnh và Thư viện tỉnh bộ từ điển “Văn thi liệu tầm nguyên tự điển” ở dạng bản thảo viết tay dày 4.258 trang, hơn 15.000 từ do ông biên soạn từ năm 1994 đến 2015.
Công trình nghiên cứu, biên soạn công phu
Bộ từ điển gồm 4 tập, mỗi tập hơn 1.000 trang viết tay, sắp xếp theo thứ tự ABC. Nội dung dẫn tư liệu trong văn thơ có nguồn gốc Hán văn. Những văn thi liệu này chủ yếu là các từ ngữ, điển cố, điển tích, thành ngữ thường được dẫn dụng trong văn thơ của các tác giả văn chương Việt Nam, Trung Hoa. Ngoài lĩnh vực văn học, từ điển còn mở rộng ở một số lĩnh vực lịch sử, văn hóa, tôn giáo, phong tục, tập quán, địa danh, nhân danh. Với tính chất đồ sộ và công phu, bộ từ điển có thể coi là bách khoa thư về văn thi liệu.
Nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch với bộ từ điển viết tay dài hơn 4.000 trang.
Ít giống với cách viết của các từ điển lâu nay chỉ cắt nghĩa từ ngữ, công trình này tác giả giảng nghĩa, truy nguyên xuất xứ, đưa ra cách sử dụng, dẫn chứng tác phẩm đã sử dụng kèm theo những câu chuyện liên quan được ông dày công sưu tầm, biên soạn, trích dẫn lại. Có từ được chú giải vài dòng, nhưng có từ lại được biên soạn đến vài trang. Chẳng hạn, cắt nghĩa từ “Bàn Thành”, người biên soạn dẫn giải khá cụ thể thời gian, các đời vua ở thành Đồ Bàn trong 7 dòng ngắn gọn. Ở ngữ liệu “An Nam tứ đại khí”, vì nhiều tư liệu nên ông đã bỏ ra hơn 3 trang để chú giải về bốn quốc bảo của An Nam là Báo Thiên tháp, Qui Điền chuông, Phổ Minh đỉnh, Quỳnh Lâm tượng hay ngữ liệu “thơ Đường” được biên soạn dài đến 5 trang… Những điều này đã làm nên điểm đặc biệt của bộ từ điển, không đơn thuần chỉ để tra mà còn để đọc.
Trong từ điển, ông còn bày tỏ quan điểm, cách kiến giải riêng của mình về một số thành ngữ, điển cố vẫn thường được sử dụng. Trong trường hợp “tá hoàn thư tịch”, nghĩa là mượn sách trả sách ông đã dẫn: Trong quyển “Ấu học cố sự quỳnh lâm” (cổ văn Trung Quốc) có ghi “Tá hoàn thư tịch dụng song hi” (mượn sách vở, trả sách vở đều dùng đôi chai rượu). Người xưa khi mượn sách vở thì biếu chủ một chai rượu , đến chừng trả sách vở cũng biếu chủ một chai rượu nữa. Sơn Cốc (đời Tống) nói rằng: “Bất từ tá ngã thiên quyển, tha nhật hoàn quân bất hi” (chớ từ giúp ta ngàn quyển, ngày khác trả anh một chai). “Hi” tức tửu khí là đồ đựng rượu. Người đời sau nhân chữ “hi” mà gọi chệch ra là “si” tức là dại, bèn bảo: “Tá thư nhất si, hoàn thư nhất si (cho mượn sách là dại, trả sách là dại); Tá thư ngu, hoàn thư thậm ngu (cho mượn sách là ngu, mượn được mà trả là rất ngu). Ôi! Cái lẽ cho mượn sách trả sách là dại?”. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch, người nói câu này mới là thậm ngu vì kẻ sĩ trong thiên hạ không ai dám tự hào là mình có đầy đủ sách của thiên hạ, thì sách mượn qua lại để trao đổi nhau mà học tập thật đáng khuyến khích, đừng nên để tâm tới lời nói vô ân kia (trang 2650 quyển 4).
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nguyễn An Pha (phải) nhận bộ từ điển do ông Đặng Quý Địch nhờ người đem vào gởi tặng.Ảnh: HOÀI VĂN
“Nguồn cảm hứng” 21 năm chấp bút
Năm 1994, nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch có dịp đọc và dịch cuốn từ điển “Điển cố tầm nguyên trích yếu” của cụ cử Hà Trì Trần Đình Tân có hơn 1.000 từ viết bằng chữ Hán. Trong khi dịch, cuốn từ điển này đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng nên ông chấp bút viết “Văn thi liệu tầm nguyên tự điển” cho đến nay. Ông tâm sự: “Viết xong bộ sách này tôi rất vui! Nhưng không dám nghĩ là được in và được phát hành rộng rãi do không có kinh phí. Tôi tặng bản thảo này cho Thư viện tỉnh và Hội VHNT để tham khảo, cũng như có đủ điều kiện để quảng bá rộng rãi hơn”. Mong muốn của tác giả là có cá nhân hay tổ chức nào có điều kiện xuất bản để sách được người đọc tiếp cận tốt hơn.
Miệt mài hơn 21 năm, nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch lặng lẽ làm việc, sưu tầm từ những cổ thư, ghi chép lại cho đời. Người ta hay gọi ông với cái tên thân mật là “ông bàn - bếp” vì hằng ngày ông ít ra ngoài, một mình tự nấu ăn rồi viết lách. Người ta thấy ông thường chỉ ở bếp và bàn, bếp thì sơ sài vì một mình chỉ ăn qua quýt, nhưng bàn thì bày biện ngập sách và rất ngăn nắp. Bản thân ông nhiều bệnh tật, phải uống vài chục viên thuốc mỗi ngày nhưng ông hay nói đùa là “lương thực” để sống mỗi này. Ông đã lấy viết sách để làm vui, để sống với chính mình.
Ông Võ Văn Nhiếng, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Thư viện chúng tôi đã có lưu trữ một số đầu sách, các bài viết trên tạp chí của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch. Đây là những tài liệu quý để tra khảo và nghiên cứu. Cùng với những đầu sách đã xuất bản, bộ từ điển này là một đóng góp lớn của ông cho độc giả. Chúng tôi sẽ đưa vào thư mục của thư viện”.
TRƯỜNG ĐĂNG
Nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (76 tuổi) hiện ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Ông đã có 18 đầu sách được xuất bản, còn lại 12 đầu sách đã viết xong nhưng chưa có kinh phí nên vẫn còn nằm ở dạng bản thảo. Vừa qua, ông cũng đã gởi tặng cho các trường THPT, THCS ở thị trấn Bồng Sơn tập sách “Tấc lòng” của ông viết về các nhân vật lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong tỉnh.