Cơm nghĩa cơm tình
Với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với các bệnh nhân nghèo, thời gian qua, những người dân ở tổ 12 và tổ 13, KV 3, phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn) đã chung tay nấu cơm chay phát miễn phí cho các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
Việc làm từ tấm lòng
“Chưa bao giờ tôi lại thấy trong người vui và thoải mái như vậy. Cứ mỗi hộp cơm chay được phát cho bệnh nhân nghèo và người nhà của họ là tôi cũng như những người đang làm công việc này lại thấy hạnh phúc”, chị Trương Thị Lưu (45 tuổi, tổ 12, KV 3, phường Lê Lợi), người khởi xướng việc làm đầy ý nghĩa này, thổ lộ.
Sau khi nấu xong, người dân ở tổ 12 và tổ 13, KV 3, phường Lê Lợi chia cơm vào hộp đem phát cho bệnh nhân.
Chị Lưu kể, cái “duyên” đưa chị đến với công việc này khởi phát cách đây hơn một năm, lúc chị vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) nuôi mẹ bị bệnh. Thời điểm đó, những lúc khó khăn nhất về tiền bạc, chị đã rớt nước mắt khi được nhận những suất cơm miễn phí do các tổ chức, “Mạnh Thường Quân” đem đến tận phòng bệnh phát cho bệnh nhân và người nhà. Khi về lại Quy Nhơn, chị có ý định cũng sẽ làm việc tương tự, để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, như mình đã từng được giúp. Ý tưởng đó được chị ấp ủ, sau đó tâm sự với những người thân trong gia đình, bà con trong khu phố, không ngờ được mọi người hưởng ứng và cùng góp công, góp sức.
Tháng 7.2015, 60 hộp cơm chay miễn phí đầu tiên do chị Lưu và những người trong khu phố đóng góp tiền để nấu đã được trao trực tiếp cho bệnh nhận chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh. Để duy trì hoạt động này được thường xuyên 2 lần/tháng, vào ngày rằm và mùng một, chị cùng mọi người trong khu phố đi vận động thêm những bà con hảo tâm khác đóng góp kinh phí. Nhờ vậy, từ chỉ 60 hộp cơm/tháng ban đầu, giờ đã tăng lên 320 hộp. Mọi người trong khu phố thống nhất tạm lấy tên gọi là cơm chay miễn phí Hương Sen Việt.
Video: Hoàng Phạm
Ông Huỳnh Đức (53 tuổi, ở tổ 13, KV 3), người tham gia ngay từ đầu công việc này, cho hay: “Thấy việc làm này có ý nghĩa, chia sẻ phần nào những khó khăn của người nghèo nên tôi và mọi người trong khu phố không chỉ góp công sức mà còn đóng góp thêm từ 100 - 200 ngàn đồng/người/tháng”.
Cho yêu thương - nhận thương yêu
Sáng 10.12, giếng nước công cộng của tổ 12, KV 3, phường Lê Lợi chộn rộn cảnh bà con đang tập trung để chuẩn bị nấu cơm chay phát vào ngày mùng 1.11 âm lịch (thứ Sáu, ngày 11.12.2015). Hai cụ bà Mai Thị Bé (81 tuổi) và Nguyễn Thị Trang (80 tuổi) đang ngồi gọt vỏ các loại rau củ, cùng móm mém cười hiền hậu, cho biết: “Tôi già rồi nên không có tiền để đóng góp, lúc nào con cháu cho tiền ăn vặt thì mình dành dụm góp chút ít, còn thì góp công sức bằng cách nhặt rau, phụ nấu nướng”.
Chị Võ Thị Mỹ Tâm (34 tuổi, ở tổ 12, KV 3), làm nghề gia sư, kể chuyện: “Vào các ngày rằm và mùng một hàng tháng, từ lúc 5 giờ sáng là mọi người đã tập trung nấu nướng rồi, mỗi người một tay nên rất nhanh, đến 10 giờ thì mọi việc hoàn tất để chia cơm, thức ăn vào từng hộp, đưa đến bệnh viện phát cho mọi người. Để đủ cơm cho 320 hộp, mỗi nhà phải dùng nồi cơm điện của gia đình mình nấu từ 2 - 3 lượt. Còn thực phẩm thì đều được chọn lựa rất kỹ, không chỉ đảm bảo tươi, ngon và đầy đủ dinh dưỡng mà còn chất chứa tình thương và trách nhiệm của chúng tôi trong đó”.
Cứ đến những ngày nấu cơm phát cho bệnh nhân, vợ chồng anh Tạ Đức Thắng, làm nghề sửa xe đạp trên đường Nguyễn Huệ, lại tạm gác công việc riêng để tham gia cùng mọi người. Vợ anh Thắng cùng chị em nấu nướng, còn anh thì chia cơm vào hộp và đem cơm vào bệnh viện phát cho bệnh nhân. Anh Thắng tâm sự: “Việc làm này không chỉ chia sẻ phần nào khó khăn với người nghèo mà còn giúp cho người dân trong khu phố chúng tôi thắt chặt thêm tình đoàn kết”.
Chị N.T.M (48 tuổi, ở huyện Phù Cát), bệnh nhận chạy thận nhận tạo tại Khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh), mỗi tháng 2 lần nhận những suất cơm chay của người dân ở khu phố 3, phường Lê Lợi, xúc động: “Tôi sẽ không bao giờ quên hộp cơm chay miễn phí rất đầy đủ như thế này, bởi đây là hộp cơm đầy ắp tình người”.
Chị Trương Thị Lưu cho hay: “Chúng tôi đang vận động để có thêm nhiều mạnh thường quân hỗ trợ. Nếu có thêm sự đóng góp của nhiều người thì thời gian tới chúng tôi sẽ tăng số suất cơm cũng như thêm ngày nấu cơm chay trong tháng để giúp bệnh nhân nghèo”.
NGUYỄN PHÚC