Lần đầu tiên lấy ý kiến đánh giá về công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian
Ngày 10.12, Bộ VHTT&DL, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Báo Văn hóa tổ chức họp báo lấy ý kiến phóng viên các cơ quan báo chí và chấm điểm cho các địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian của 63 tỉnh thành trên cả nước. Đây là lần đầu tiên, Bộ VH, TT&DL tiến hành chấm điểm công tác tổ chức lễ hội của các địa phương với mong muốn sẽ là căn cứ để quản lý tổ chức lễ hội tốt hơn.
Theo ông Trần Đăng Khoa – Tổng Biên tập báo Văn hóa cho biết, việc lấy ý kiến đánh giá của các cơ quan báo chí bằng hình thức chấm điểm góp phần tăng tính khách quan, hiệu quả trong đánh giá, phân loại công tác tổ chức, quản lý lễ hội dân gian ở các tỉnh, thành phố mùa lễ hội năm 2015. Bởi trong mỗi mùa lễ hội, các cơ quan báo chí đã luôn theo sát, đồng hành và phản ánh đa chiều các nội dung, diễn biến các lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, diễn ra trong nhiều ngày, thu hút đông lượng người tham dự. Thông tin báo chí nêu đã góp phần quan trọng, hỗ trợ đắc lực công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động lễ hội.
Theo đó, việc lấy ý kiến sẽ bằng hình thức chấm điểm về nội dung đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian của 63 tỉnh, thành trong mùa lễ hội năm 2015.
Bà Trịnh Thu Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, mục đích chấm điểm này sẽ đánh giá tốt hơn (theo phương thức cũ Cục VHCS đánh giá theo báo cáo), sau đó Cục sẽ tổng hợp các báo cáo để đánh giá từng địa phương. Bộ VH, TT&DL cũng sẽ dựa vào đó để đánh giá công tác thi đua cả năm.
Theo đó, Tiêu chí chấm điểm thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian được nêu cụ thể Bảng điểm đánh giá thực hiện các nhiệm vụ có tổng điểm là 100, được phân thành 6 mục để đánh giá, chấm điểm bao gồm: + Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm (tối đa 9 điểm); + Quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ Bộ VHTTDL (tối đa 6 điểm); + Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội ( tổng điểm tối đa là 25); Đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội (tối đa 40 điểm); Tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật (tối đa 10 điểm); Thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động tại cơ sở (tối đa 10 điểm).
Bên cạnh đó, Tiêu chí đánh giá cũng quy định phần điểm cộng, điểm trừ (5 điểm), trong đó phần điểm cộng được chấm cho các địa phương mà báo chí cho là có cách làm hay, sáng tạo, đột phá trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; được dư luận báo chí đánh giá tốt...
Tuy nhiên, sau khi đưa ra lấy ý kiến, nhiều phóng viên cho rằng, cả nước hiện có khoảng cả nước hiện có khoảng 8.000 lễ hội, phần lớn là các lễ hội dân gian, các lực lượng chức năng trong đó có báo chí không thể đi hết toàn bộ các lễ hội nằm rải rác khắp 63 tỉnh, thành phố, nên việc chấm điểm cũng cần tập trung hơn vào các lễ hội lớn, nổi trội...Theo đại diện các cơ quan báo chí, việc chấm điểm mỗi mùa lễ hội là nên làm nhưng không nhất thiết phải chấm điểm toàn bộ 63 tỉnh, thành phố có lễ hội mà nên chấm điểm theo các lễ hội lớn, thu hút đông người tham gia, lễ hội đã có những hiện tượng nổi cộm, hạn chế nhiều năm chưa được khắc phục...
Theo T.Minh (báo HNM)