Nghề thêu… còn lại chút này
Thời nhỏ, tôi có thể đứng cả buổi để ngắm nghía các thợ thêu làm “ảo thuật” với kim, chỉ, bàn căng và xem từng bông hoa, ngọn cỏ sắc màu rực rỡ dần hiện lên trên vải. Rồi thêu máy ra đời, loại dần thêu tay ra khỏi “cuộc chơi” bởi nhanh hơn và giá rẻ hơn. Rất nhiều chị em thời đó đổ xô học nghề rô đê, thêu máy. Nhưng đó là chuyện của 25-30 năm về trước.
Chị Đinh Thị Hoa, 25 năm trong nghề, hàng đêm vẫn cặm cụi chong đèn thêu cho khách.
Mai một
Còn giờ, nghe hỏi nghề thêu tay ở Quy Nhơn còn không, chủ nhà may Kim Ngân ở đường Trần Cao Vân, trả lời dứt khoát: “Ngoài các souer ở Tu viện Trinh Vương ra, thì ở Quy Nhơn không còn ai làm nữa đâu. Lâu công, tốn sức mà giá thành lại rất cao”. Rồi chị lấy cho tôi xem chiếc áo dài trắng nay đã chuyển sang màu ngà nhưng đóa hồng thêu trên áo vẫn nguyên sắc chỉ. “Đây là chiếc áo dài cưới mà hai em trai tôi thêu tặng đấy. Bởi nó đẹp quá nên tôi giữ mãi làm kỷ niệm”, chị nâng niu trên tay.
Người làm nghề thêu ở Quy Nhơn hầu hết là phụ nữ. Thêu tay đã mất nghề. Thêu máy cũng chỉ còn độ 5-6 người làm, người trẻ nhất cũng trên 40 tuổi. Đã 7 giờ tối, chị Đinh Thị Hoa (KV 4, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) vẫn chong đèn vừa thêu áo cho khách, vừa trông chừng con nhỏ. Chị Hoa bảo, chị vào nghề từ lúc 18 tuổi, lấy chồng sinh con vẫn không bỏ nghề.
“Cũng có lúc nghề thêu trầm lắng, bạn học nghề cùng tôi hai chục người, giờ còn mỗi mình tôi. Thợ thêu ăn theo thợ may, lúc tôi thêu logo trên áo, quần thể thao, khi lại thêu áo dài, áo đầm theo ý của khách hàng, quanh năm không hết việc. Nghề thêu khó nhất là phải biết sáng tạo, vẽ kiểu. Có lúc khách đưa mẫu sẵn, cũng có khi phải tự ý “phăng” ra, sau đó canh trên áo cho chuẩn rồi mới thêu”, chị Hoa nói.
Sau cơn chấn thương sọ não nặng, mấy năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh Loan (47 tuổi, nhà ở hẻm 156 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn) không dám nhận nhiều hàng như trước nữa vì sợ bệnh cũ tái phát. Chị Loan tâm sự: “Tôi nghĩ dưỡng bệnh nhưng nhớ tiếng máy thêu xành xạch, bạn hàng tới lui nhắc suốt, thế là lại vào máy, nhưng chỉ nhận hàng cầm chừng và giao hẹn với khách chờ lâu một chút. Ngày xưa, tôi làm thâu đêm”.
Nơi góc nhà, chị đặt 3 máy thêu, rô đê chuyên dụng, cũ có, mới có, nhưng chị vẫn thường dùng chiếc máy cũ. Một tay thêu, uốn lượn theo mẫu, tay kia chỉnh mũi kim. Khách đến đặt làm theo mẫu thường rửa ảnh để chị nhìn và làm theo bởi chị không biết dùng máy tính bảng hay điện thoại thông minh.
Mai này có còn...
Theo chủ tiệm may Lý (đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn), xu hướng thời trang thêu đang quay trở lại, từ áo dài đến áo, váy, áo đầm. Nhu cầu thì nhiều nhưng thợ ở Quy Nhơn ít, nên nếu hàng nhiều, tiệm gởi vào TP Hồ Chí Minh làm.
Tiền công thêu bình quân cho một mẫu thêu áo dài, váy từ 80.000 đến 300 ngàn đồng/áo, nhưng cũng có khi lên tới gần cả triệu đồng. Với xu hướng thời trang thêu nổi như hiện nay, thợ thêu còn sáng tạo ra các mẫu hoa, lá rồi đính trên áo kết hợp với thêu để tạo độ nổi, sự sinh động cho trang phục. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo riêng của mỗi người. Và cả sự tỉ mỉ, biết canh chuẩn sớ vải để khi thêu lên vải áo không bị nhăn. Vậy nên, từ khi mắt không còn đủ độ tinh anh như trước, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (nhà ở hẻm đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn), một thợ thêu chuyên nghiệp, không còn nhận thêu áo dài nữa, thay vào đó là thêu logo trên áo sơ mi hay luôn áo dài, tiền công ít nhưng ít nhọc công, đỡ mệt đầu.
Những thợ thêu tôi gặp cho biết, nghề thêu không giúp họ làm giàu song đủ trang trải chi phí gia đình. Nhưng chỉ có tình yêu nghề mới đủ níu họ lại cho đến ngày nay. “Những người trẻ hơn không có đủ kiên nhẫn để học cái nghề này. Dạy nghề rồi, canh vải sẵn cho rồi, thiếu điều năn nỉ nữa thôi mà đâu có ai chịu học đâu”, một thợ thêu trải lòng.
Một chủ tiệm may có tiếng nói rằng, người đến chỗ chị đặt hàng may và thêu đa phần chấp nhận giá cao để có một mẫu sản phẩm ưng ý hoặc không đụng hàng. Vậy nên, với mức sống như hiện nay, nghề thêu hoàn toàn có đất sống ở Quy Nhơn, thậm chí sống tốt nữa là khác và hoàn toàn phù hợp với chị em. Tiếc là nhiều thợ thêu đều lớn tuổi, khả năng thích ứng với cái mới chậm, mà thợ trẻ thì chẳng có ai.
THU HÀ