“Ra là thế!”
Những tiếng ồ nho nhỏ như thế thỉnh thoảng lại vang lên, khi các chị được nghe, được biết, được hiểu những kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Người nghe và người diễn giải càng lúc càng tìm được tiếng nói chung về những chuyện vẫn được cho là nhạy cảm, khó nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích (người đứng) hướng dẫn cách sử dụng các biện pháp tránh thai.
Lần đầu tiên, LĐLĐ tỉnh tổ chức một hoạt động tuyên truyền về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong công nhân viên chức, lao động tại địa phương. Tuy Phước được chọn là điểm đến đầu tiên. Chiều 7.12, trời mưa tầm tã, nhưng tất cả số ghế chuẩn bị sẵn tại Hội trường của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên huyện vẫn không thừa một chiếc.
Nhận thấy tất cả chị em ngồi trong hội trường đều trong độ tuổi sinh đẻ, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tỉnh Nguyễn Thị Bích quyết định mở đầu buổi tuyên truyền bằng chuyên đề tổng quan về các biện pháp tránh thai. Những thông tin chung về các biện pháp tránh thai từ thuở sơ khai đến thời hiện đại được lướt qua một lượt, để rồi dừng lại rất lâu trong phần phân tích sự “thiệt hơn” của mỗi hình thức tránh thai. Tính nhẩm ngày sinh hoạt theo chu kỳ kinh nguyệt, xuất tinh ngoài, uống thuốc tránh thai khẩn cấp, uống thuốc tránh thai hằng ngày, dùng bao cao su, đình sản, triệt sản… đều có những cái “ưu”, cái “khuyết” riêng của nó, và hiệu quả cũng khác nhau.
Điều thú vị nhất mà bác sĩ Nguyễn Thị Bích mang lại chính là những câu chuyện từ thực tế công tác của mình. Từ đó, đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất cho từng đối tượng. “Có hôm, gần sáng thì điện thoại reo, bên kia có giọng nữ hốt hoảng, bác sĩ ơi phải làm sao bây giờ, chứ “cái bao” nó còn nguyên “ở trỏng” từ tối qua giờ. Thì ra anh chồng chọn phải bao cao su quá cỡ, “xong chuyện” lại đểnh đoảng đến mức để quên bao dùng xong ở “hiện trường”. Mới hôm qua thôi, có cô kia gọi cuống quýt, bác sĩ cho em loại thuốc nào “nặng nặng”, em “lỡ” rồi, sợ có con lắm!”, bác sĩ Bích kể.
Bác sĩ Bích đặc biệt nhấn mạnh đến trường hợp nhiều chị em lạm dụng quá mức thuốc tránh thai khẩn cấp. “Nhiều chị lần nào quan hệ xong cũng uống Postinor. Phải xác định thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ là phương pháp bất đắc dĩ nếu như trót quan hệ tình dục mà không dùng các biện pháp ngừa thai. Nếu dùng quá 2 lần trong một tháng, bạn có thể bị rối loạn kinh nguyệt dẫn đến các hiện tượng như ra dịch màu đen, kinh nguyệt không đều, trễ kinh, rong kinh...”, bác sĩ Bích khuyến cáo.
Bên cạnh ngừa thai, chủ đề bác sĩ Bích đề cập theo yêu cầu của các chị là bệnh phụ khoa. Dẫn ra trường hợp 1 bạn gái mới 17 tuổi nhưng đã 3 lần tìm đến bác sĩ để chữa bệnh sùi mào gà, bác sĩ Bích hết sức lưu ý về tình trạng quan hệ tình dục sớm và quan hệ không an toàn. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng hướng dẫn chi tiết cách tự khám vú ở nhà để phát hiện sớm các biểu hiện nghi ngờ ung thư vú.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, việc tiếp cận những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản không còn khó khăn. Thế nhưng, với phụ nữ lao động ở nông thôn, những buổi tuyên truyền trực tiếp vẫn có ý nghĩa lớn. Bà Cao Thị Yến Phượng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Tuy Phước, cho hay: “Đây là một dịp hiếm có để chị em được nghe, được hỏi, trình bày những thắc mắc trong cuộc sống gia đình hằng ngày. Mỗi người tham dự buổi tuyên truyền hôm nay sẽ truyền đạt những gì mình thu nhận được cho nhiều người khác, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân, giữ gìn hạnh phúc gia đình”.
Còn chị Nguyễn Thị Vân Oanh, 34 tuổi, ở xã Phước An, chia sẻ: “Chị em chúng tôi rất ít khi khám sức khỏe định kỳ, được hướng dẫn cách phát hiện và dự phòng bệnh nguy hiểm như ung thư vú, ung thư tử cung là rất cần thiết. Ngoài ra, từ sự gợi ý của chuyên gia, mỗi người sẽ tìm hiểu thêm thông tin về các biện pháp tránh thai hiện đại để sử dụng phù hợp với điều kiện của mình”.
Theo chị Võ Bích Thảo Vy, chuyên viên Ban Nữ công của LÐLÐ tỉnh, truyền thông kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản có vai trò quan trọng trong công tác chăm lo đời sống cho nữ lao động. Sau buổi tuyên truyền tại Tuy Phước, LÐLÐ tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn cùng rút kinh nghiệm và tổ chức hoạt động tương tự ở các địa phương khác.
MAI LÂM