Keo lá xửa xưa
Chỉ còn mấy hôm nữa là chúng tôi chung sống với nhau được hai mươi chín năm. Đấy là tính về tuổi tác bởi chúng tôi kết hôn khá muộn so với bạn bè cùng trang lứa. Một sự trễ tràng do phận riêng nhiều nỗi long đong và chừng muốn gắn kết, ôi chà, thêm lao đao nhiều nỗi. Khó khăn cũ chưa qua đã lập tức có thêm trở ngại mới. Hết vướng víu rồi đến vướng bận, gỡ chưa xong chuyện đạo đã có ngay chuyện đời… Vậy mà cũng có được lễ cưới ở thánh đường, lễ gia tiên ở nhà rồi tiệc tùng với họ mạc và bạn bè.
Đám cưới trầy trật khiến nhớ nhiều. Và trong vô vàn là kỷ niệm về một ngày như thế, ký ức tôi hay lật qua trở lại chuyện này. Chẳng là sau thánh lễ, hai họ cùng ra đứng phía trước nhà thờ chụp hình và sự cố liền xảy ra. Không hề động cựa, rờ mó vậy mà hàng mi giả bên mắt trái tự nhiên rớt xuống và hàng mi phải cũng sắp sửa ngã nhào. Cô dâu còn đang luống cuống thì thật may, một đứa cháu lanh trí chạy ù ra sân, bẻ gấp mấy lá vú sữa và dùng mủ của thứ lá này để dán lại. Thứ keo thiên nhiên thô sơ và giản đơn đến vậy mà chắc chắn không ngờ. Chỉ với một chút mủ vú sữa mà cặp lông mi giả của tôi dính chặt, từ sớm cho đến tận khuya. Dính dáp bền bỉ hơn bất cứ một loại keo hóa chất nào mà tôi được biết.
Ngần ấy tháng năm kết hợp, đời sống lứa đôi cũng lắm phen sóng to gió dữ. Gia đình nhỏ bé cũng không ít lần tưởng đổ nhào, vỡ tan nhưng rồi những thuận thảo sự ấm êm vẫn giữ được. Cho tiếng nói và khuôn mặt của hạnh phúc còn có cơ hội để cất giọng và hiện hình. Ngẫm ra, mủ của lá vú sữa trong ngày cưới giữ hộ cặp lông mi giả cho cô dâu đã giúp cho chúng tôi cùng nhận ra còn biết bao loại mủ dân dã như vậy. Và không hiếm những thứ keo đơn sơ đến thế. Ở ngay đây, trong tầm tay này. Trong mỗi chồng mỗi vợ mỗi gia đình. Nào là mủ tin, mủ yêu, mủ thứ tha, mủ chia sẻ… Nào là keo chân thành, keo nhường nhịn, keo gắng gỏi, keo đỡ đần… Những mủ những keo đâu có khó lắm để kiếm tìm ngày bữa. Cái chính là trong cuộc sống chung, chúng ta còn có tha thiết được dùng?
NGUYỄN MỸ NỮ