Lo “giống dỏm, phân giả” !
Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh đang bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2015-2016 cũng là vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Bên cạnh nỗi lo về vấn đề “thiên tai” do thời tiết diễn biến bất thường thì bà con còn phải đối mặt với nỗi lo “nhân tai” bởi vấn nạn giống và phân bón kém chất lượng đã và đang lưu hành trên thị trường.
“Nước - phân - cần - giống” là 4 yếu tố quan trọng, có tính quyết định làm nên vụ mùa bội thu trong sản xuất nông nghiệp mà lại có đến 2 yếu tố “có vấn đề” thì người nông dân không lo mới là… lạ!
Lâu nay thực tế sản xuất đã xảy ra nhiều trường hợp nông dân “có làm mà chẳng có ăn” do sản xuất gặp phải giống kém chất lượng hay còn gọi là giống dỏm gây ra. Mỗi khi vào mùa thu hoạch mà gặp phải cảnh lúa lép, bắp không trái, khoai không củ, dưa không trái…, sau mấy tháng ròng lặn lội “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, là sự tổn thất, mất mát rất lớn cho nhà nông không chỉ đơn thuần về vật chất.
Mặc dù quy trình sản xuất, kinh doanh giống được quy định khá chặt chẽ, công tác kiểm định khá khắt khe nhưng vì nhiều lý do trên thị trường vẫn lưu thông không ít loại giống nhập nhèm nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đảm bảo… nên nông dân vẫn “dính” phải giống dỏm để rồi gánh chịu thiệt hại mà không biết kêu ai.
Cùng với nạn giống dỏm thì chuyện phân bón giả, phân bón kém chất lượng cũng là vấn đề bức xúc đối với người nông dân. Đây là vấn nạn đã trở thành một căn bệnh trầm kha, gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất. Theo số liệu thống kê, mỗi năm sản xuất nông nghiệp của nước ta bị thiệt hại trên 40.000 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD) do phân bón không đạt chất lượng gây ra.
Mặc dù mỗi năm các cơ quan chức năng trong cả nước đã phát hiện và xử phạt hàng ngàn vụ vi phạm, tịch thu chục ngàn tấn phân bón giả các loại, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Thậm chí, sau các đợt cao điểm kiểm tra, truy quét thì vấn nạn phân giả, phân kém chất lượng cũng “vẫn như cũ”. Còn nông dân, dù vẫn ngày “một nắng, hai sương” trên đồng ruộng, nhưng vẫn cứ phải gánh chịu những tổn thất mùa màng, chưa kể các thiệt hại khác, như: môi trường ô nhiễm, đất đai thoái hóa, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng…
Tại các Diễn đàn phòng, chống tình trạng sản xuất, kinh doanh “giống dỏm, phân giả” được tổ chức trên cả nước gần đây, đã có rất nhiều đề xuất và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải mạnh tay với các vấn nạn này để bảo vệ sản xuất.
Theo đó, về mặt quản lý trước hết cần lập lại trật tự thị trường phân bón, giống cây trồng; tăng cường kiểm soát để tránh sự nhập nhèm về chất lượng, tạo thuận lợi cho nông dân mua được các sản phẩm với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.
Đồng thời, có các chế tài đủ mạnh, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự, để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh các loại “giống dỏm, phân giả”; đặc biệt, cần phạt tiền thật nặng đối với những hành vi vi phạm phát hiện được vì các biện pháp xử lý hành chính, hoặc phạt tiền “nhẹ hều” như lâu nay, không đủ sức răn đe người vi phạm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhận biết, chọn lựa đúng sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ tin cậy; khuyên cáo bà con tuyệt đối không ham giá rẻ với các chủng loại không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh bị “tiền mất tật mang”…
Hy vọng, trong thời gian tới công tác đấu tranh phòng chống “giống dỏm, phân giả” sẽ được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn để nông dân bớt thiệt hại vì vấn nạn này.
H.Đ