Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật ở huyện Hoài Ân
Trong năm 2014 và 2015, Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật Bình Ðịnh, do Cơ quan Viện trợ quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Development Alternative Inc. (DAI), Hội trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam và Sở LÐ-TB&XH, đã trợ giúp hơn 160 người khuyết tật ở huyện Hoài Ân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Chị Trần Thị Mai “gầy” đàn heo con.
Động viên gia đình người khuyết tật
Là lao động chính trong gia đình nhưng anh Nguyễn Đình Thanh (48 tuổi, ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây) bị khuyết tật vận động do tai nạn. Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người vợ - chị Huỳnh Thị Hiệp (35 tuổi) - khi một mình nuôi 4 người con đang tuổi ăn học và người chồng thường xuyên đau ốm. Đã 3 năm liền, gia đình anh là hộ nghèo của địa phương. Ba tháng trước, gia đình anh Thanh nhận tin vui - được hỗ trợ một con bò với trị giá hơn 12 triệu đồng.
“Dắt bò về nhà, tôi hồ hởi trong lòng. Chồng tôi ngồi xe lắc ra đầu ngõ đón vợ. Bà con làng xóm cũng đến chia vui. Cộng cả con bò được hỗ trợ, vợ chồng tôi có thảy 3 con bò. Ngoài chăn bò mỗi ngày, tôi còn bàn với chồng tranh thủ ngày mùa đi làm mướn cho mấy hộ trong thôn để đổi công lấy rơm, rạ, chuẩn bị thức ăn cho bò lúc mưa gió”, chị Hiệp nhớ lại.
Cũng được hỗ trợ bò dịp ấy là gia đình của anh Nguyễn Văn Mới (39 tuổi, ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức). Nhà anh Mới có tổng cộng 3 người con nhưng cô con gái Nguyễn Lê Thương (8 tuổi) lại chẳng may bị bệnh bại não, nằm liệt một chỗ. Biết cảnh nhà kém may mắn khi con cái không có được hình hài lành lặn, vợ chồng anh Mới càng phấn đấu, chăm chỉ làm ăn. Ngoài làm ruộng, anh Mới còn chăn nuôi dê. Anh mới tâm sự: “Nhà tôi còn may mắn hơn nhiều hộ khuyết tật khác khi lao động chính trong nhà vẫn lao động được. Chúng tôi trân trọng sự giúp đỡ, quan tâm đến hộ người khuyết tật của Chương trình và cam kết sẽ siêng năng chăm sóc vật nuôi để được sự giúp đỡ của Chương trình là không vô ích”.
Với gia đình anh Trần Ngọc Cưng (49 tuổi, ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức), sự hỗ trợ 4 con heo giống vào đầu tháng 11 vừa qua mang ý nghĩa động viên rất lớn. Phải nằm liệt giường sau vụ té ngã khi đang làm thợ xây, trở thành kẻ vô dụng khi mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người thân nên giờ đây, anh Cưng chỉ có duy nhất một mong muốn là vợ và các con khỏe mạnh, thay anh cáng đáng việc gia đình. Mọi sự giúp đỡ với gia đình anh đều rất đáng quý.
Chị Trần Thị Mai (46 tuổi) - vợ anh Cưng - giãi bày: “Đây là nguồn động viên lớn với gia đình tôi. Mình ở quê, chỉ biết trông vào con heo, con bò để có đồng ra đồng vô. Nay được sự hỗ trợ của Dự án, lại thêm chuồng trại có sẵn, tôi mạnh tay mua thêm 6 heo con nữa để gầy đàn, hy vọng sớm có thêm thu nhập để cảnh nhà đỡ chật vật”.
Góp phần vào an sinh xã hội
Theo bà Lê Thị Thu Hoài, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật Bình Định triển khai trên địa bàn Hoài Ân trong hai năm 2014 và 2015, có nhiều hoạt động đã triển khai như hỗ trợ trên lĩnh vực giáo dục (trao học bổng học sinh khuyết tật, hỗ trợ học nghề...), lĩnh vực y tế (hỗ trợ mua thẻ BHYT, hỗ trợ dụng cụ phục hồi chức năng, máy trợ thính, làm chân, tay giả, hỗ trợ tập phục hồi chức năng tại nhà và trung tâm), lĩnh vực xã hội (hỗ trợ buôn bán nhỏ, vật nuôi, khoan giếng nước sách).
Hỗ trợ sinh kế có dấu ấn đặc biệt với các hộ gia đình người khuyết tật bởi gắn liền với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Tổng cộng đã có 84 hộ được hỗ trợ con giống chăn nuôi; 85 gia đình người khuyết tật khác được hỗ trợ buôn bán nhỏ. Đáng nói, hoạt động hỗ trợ sinh kế được thực hiện sau các bước: khảo sát nhu cầu, vị trí và khả năng của hộ gia đình người khuyết tật; tập huấn kỹ năng, kiến thức chăn nuôi cho hộ gia đình; khảo sát chuồng trại và đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện hỗ trợ. Vì các bước nói trên đều tốn nhiều thời gian nên phải đến quý III.2015, Chương trình mới thực hiện bàn giao vật nuôi cho đối tượng thụ hưởng.
Tất cả các hộ được hỗ trợ sinh kế từ Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật Bình Định đều có hoàn cảnh ngặt nghèo. Hầu hết các gia đình đều là hộ nghèo nhiều năm trên địa bàn huyện. Điều đáng quý là Chương trình hỗ trợ không chỉ tác động ở khía cạnh vật chất, mà cả ở phương diện tinh thần, Chương trình cũng đem lại nhiều nguồn động viên quý giá, khiến các hộ kém may mắn có thêm hy vọng vào cuộc sống và cộng đồng.
“Cách thức triển khai chặt chẽ, lại thêm con giống chất lượng, các hộ gia đình được thụ hưởng chính sách đều rất phấn khởi. Đây là “cần câu” cho không ít gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh ngặt nghèo ở địa phương, góp phần vào an sinh xã hội”, bà Hoài cho biết thêm.
NGUYỄN MUỘI