Nồng ấm tình già
Cùng thời gian, tình cảm vợ chồng sẽ chuyển sang những cung bậc tình cảm mới. Khi con cái đã khôn lớn trưởng thành, tình còn đó nhưng nghĩa còn nặng hơn. Rồi chính sự chung thủy, dìu nhau qua mọi khó khăn trong cuộc sống vợ chồng sẽ là bài học quý giá cho con cái về sau.
Vợ chồng già nồng ấm.
Từ chuyện nhặt trong cuộc sống
Hôm tôi ghé thăm nhà cụ ông Lê Văn Hồ (86 tuổi, nhà ở hẻm đường Hoàng Văn Thụ, TP Quy Nhơn) đúng tròn thất đầu của vợ ông. Con cháu lên mộ, cụ ở nhà lọ mọ lên gác thắp nhang, sang sửa bàn thờ vợ. Nhắc đến người đầu ấp tay gối mới rời dương gian, cụ rưng rưng: “Ngày 2.8.2011, bệnh viện ở đây kết luận nghi bà ấy bị ung thư vú. Sáng hôm sau các con vội đưa mẹ vào Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ trong đó tiên đoán bệnh cùng lắm kéo dài được 2 năm thôi, nhưng cuối cùng bà ấy sống thêm được 2 năm rưỡi nữa, nhờ tinh thần lạc quan, kiên cường với bệnh tật”.
Nhưng, các con cụ lại bảo rằng mẹ được như vậy là nhờ bố. Hiếm có người chồng nào lại tận tâm, chu đáo với vợ đến thế. Tuổi cao, sức cũng chẳng khỏe, nhưng cụ dành phần chăm vợ hết thảy, không phiền nhiều đến con cháu, bởi “chúng còn công tác, con cái; vả lại, chăm sóc vợ là bổn phận của chồng”, cụ nói.
Từ đi chợ, nấu ăn, đến nhắc bà uống từng viên thuốc, ly sữa trước khi ngủ, cụ đều làm tất. Đến giai đoạn vết thương bị lở loét, hoại tử từng phần đến tận xương, bay mùi rất khó chịu, cụ cũng nhất quyết không cho các con làm mà tự tay lau rửa vết thương, bôi thuốc cho vợ. Đêm đến cụ chung giường, nâng giấc vỗ về từng cơn đau cho vợ đến giây phút cuối cùng. “Nghĩa vợ chồng là những lúc này đây. Việc tôi làm có to tát gì đâu, nhiều người còn hơn thế nữa chứ”, cụ Hồ nói nhỏ nhẹ.
Nghe cụ nói, tôi nhớ đến những câu chuyện, những hình ảnh đâu đó xuất hiện trong cuộc sống thường ngày, qua những chuyến công tác bất chợt. Đó là hình ảnh người chồng gầy gò, râu bạc tua tủa cặm cụi đẩy xe lăn cho vợ trong hành lang của khu chạy thận nhân tạo ở BVĐK tỉnh. Ông nói tên mình Nguyễn Kiểng, 76 tuổi, từ xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, vào nuôi vợ chạy thận nhân tạo hơn 4 năm. Ông đẩy bà đi chợ mua thức ăn, nhận cơm từ thiện rồi về lo nấu nướng, đêm đến sắp xếp chỗ ngủ. “Con cái bảy, tám đứa lận, nhưng vợ chồng là duyên, mình còn sức sao lại trút nợ cho con. Tôi sống ngày nào sẽ lo cho bả ngày đó”, ông nói với tôi khi chờ nhận cơm từ thiện.
Rồi một chiều hè nóng nực, tình cờ lướt ngang con hẻm nhỏ, đập vào mắt tôi cảnh chồng tóc bạc phơ cắt tóc cho vợ. Hai mái đầu bạc chung một nụ cười không màng nhân gian thế sự, chỉ còn lại ta với ta. Một chị hàng xóm sống gần đấy kể, bà bị tai biến nhẹ hơn chục năm qua nên đổi vai ông chăm bà. Họ sống với nhau ân tình và chu đáo.
Đến bài học cho con cháu
Chị Minh Tâm, 49 tuổi, con dâu trưởng của cụ Hồ, cho biết gần 30 năm về làm dâu, chị chưa bao giờ nghe ba mẹ chồng to tiếng với nhau mà lúc nào cũng ngọt ngào, đong đầy tình cảm vợ chồng. Các con cũng lấy đó làm gương, cố gắng đối đãi tốt với nhau. “Vợ chồng tôi khi giận đều giấu không cho con biết, vẫn xưng anh - em bình thường. Chứng kiến ba chồng săn sóc mẹ chồng chu đáo đến giây phút cuối cùng, các con cháu đều cảm phục và xúc động lắm. Đó là bài học về nghĩa vợ tình chồng, dìu nhau qua ốm đau bệnh tật tuổi già”, chị Tâm tâm sự.
Trong một xã hội mà giá trị đạo đức, nền tảng gia đình ít nhiều bị lung lay hay bị ảnh hưởng, chi phối bởi giá trị vật chất, thói xô bồ của lối sống hiện đại, thì những bài học về tình già nồng ấm thực sự sẽ là những bài học quý giá cho con cháu noi theo, gìn giữ giá trị truyền thống gia đình trong xã hội hiện đại. Một gia đình Việt kiều quê gốc Phù Cát mà tôi biết, một lần dẫn con cháu về quê chơi Tết. Mấy đứa cháu lớn nhỏ của ông bà, dẫu tiếng Việt chỉ lơ lớ nhưng gặp người lớn đều khoanh tay chào thưa rất lễ phép. Còn ông bà của chúng thì ôi chao, ngoài 80 tuổi vẫn ân cần, ngọt ngào với nhau như tình nhân. Tỉ như trong bàn ăn, bà nhẹ nhàng: “Anh ơi đưa giúp em trái dừa”, ông với lấy đưa cho vợ tận tay và dịu dàng: “Dừa của em đây”. Tôi chứng kiến và ngẫm nghĩ quả còn nhiều điều lớp trẻ bây giờ phải “xách dép” cho ông bà.
Còn một người bạn vong niên của tôi có lần tâm sự rằng, anh chị không để lại tài sản gì nhiều cho con cái ngoài việc lớn nhất là đã gieo vào các con những bài học về làm người, lèo lái gia đình đến bến hạnh phúc bằng lối sống chung thủy, mực thước và thực sự quan tâm săn sóc người bạn đời của mình khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Các con của anh chị cũng theo gương đó mà tự tạo dựng cuộc sống cho riêng mình, gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình.
NGUYỄN NAM