Triển lãm “Sắc màu cuộc sống” của họa sĩ Chơn Hiền: Quen và lạ
40 tác phẩm mới nhất ra đời trong 5 năm miệt mài bên giá vẽ vừa được tác giả - họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền - giới thiệu đến công chúng bằng cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 4: Triển lãm tranh sơn dầu “Sắc màu cuộc sống” (mở cửa từ ngày 10 đến 17.12 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh).
3 lần triển lãm cá nhân trước đây cũng vậy (1998, 2004, 2010), tác phẩm của họa sĩ Chơn Hiền khai thác ở nhiều mảng đề tài, nội dung phong phú, đa dạng. Lần này, như chủ ý của tác giả khi chọn, đặt tên cho Triển lãm: “Sắc màu cuộc sống”, với 40 bức sơn dầu mới nhất, họa sĩ Chơn Hiền dành tình yêu sáng tạo vào 5 nhóm đề tài: phụ nữ, phong cảnh, di sản văn hóa, chiến tranh và thảm họa thiên tai (biến đổi khí hậu, tàn phá môi trường…).
Họa sĩ Chơn Hiền với lời mời chụp ảnh lưu niệm của một khán giả trẻ.
Đưa vào tranh cuộc sống muôn màu
Trong đó, tranh về đề tài phụ nữ chiếm số lượng lớn nhất (14 bức). Đây cũng là đề tài quen thuộc và được đánh giá thể hiện rất thành công của họa sĩ Chơn Hiền. Nhiều người đã dừng lại rất lâu trước các bức: “Thiếu nữ bên hồ sen”, “Thiếu nữ bên Hồ Gươm”, “Du xuân”, “Thiếu nữ mùa thu”… và các bức “Chức Nữ”, “Chị em Chức Nữ”, “Tiên Dung”… - thể hiện hình tượng hội họa lấy cảm hứng từ các điển tích. Vốn quen với phong cách tranh về phụ nữ của họa sĩ Chơn Hiền, nhiều người có chung nhận xét: người phụ nữ hiện lên trong tranh Chơn Hiền mang một vẻ đẹp hiền dịu, mềm mại, nữ tính và rất trong sáng, ngay cả khi anh vẽ khỏa thân cũng tạo cảm giác trong trẻo, tinh khôi.
Mảng tranh thuộc đề tài xã hội mà họa sĩ Chơn Hiền theo đuổi, trăn trở sáng tạo những năm gần đây và bước đầu gặt hái thành công, cũng được tác giả chọn lọc mang giới thiệu tại triển lãm lần này. Với “Rừng kêu cứu”, “Lũ quét đi qua”, “Tâm bão”, “Nỗi ám ảnh biến đổi khí hậu”, “Sốc nhiệt”, “Hóa thạch”, “Dư chấn từ Fukushima”, đầy thiết thực, đây là cách người làm nghệ thuật tham gia cùng với xã hội vào công tác tuyên truyền bằng chính tác phẩm.
Bên cạnh đó, xuất hiện tại triển lãm lần này chỉ với 2 bức, tranh về đề tài chiến tranh cũng để lại dấu ấn. Tiêu biểu, bức “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” - tác phẩm tâm đắc nhất của tác giả - tạo ấn tượng mạnh cho người xem. “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”, xem tranh Chơn Hiền, nhiều người gợi nhớ những câu trên của nhà thơ Lê Bá Dương. Một trong những chiến tích lịch sử hào hùng và cũng đầy bi thương của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ đã được thể hiện xúc động qua bức sơn dầu khổ 100x150 này. Sử dụng phong cách tả thực - biểu hiện, diễn biến của câu chuyện lịch sử được tác giả xử lý đồng hiện trên cùng một không gian về đêm. “Theo tôi, thành công nhất của tác giả là thể hiện những khuôn mặt, căng thẳng ẩn hiện, chìm khuất trong “dòng sông lạnh” Thạch Hãn, thật sự rất xúc động và ám ảnh”, khán giả trẻ Lê Văn Đồng cảm nhận.
“Huyền thoại thành cổ Quảng Trị”, tác phẩm đề tài chiến tranh được tác giả tâm đắc nhất trong Triển lãm lần này.
Dấn thân với cái mới
Ở triển lãm cá nhân lần thứ 4 này, họa sĩ Chơn Hiền tiếp tục “bị” một số bạn bè, đồng nghiệp, người yêu thích mỹ thuật phàn nàn là “tham lam” bởi “ôm đồm” khai thác nhiều đề tài, thể hiện bằng nhiều phong cách, dễ dẫn đến tản mạn.Theo họ, họa sĩ Chơn Hiền vẫn thành công nhất ở phong cách tả thực, còn các tranh pha biểu hiện, nhất là trừu tượng được giới thiệu tại triển lãm lần này chưa thật sự thành công. Vậy nên, hãy cứ phát huy thế mạnh của mình với những “vẻ đẹp quen”, vốn tạo nên nét riêng, định hình phong cách nghệ thuật tranh Chơn Hiền: mảng tranh về thiếu nữ, phong cảnh, với những đường nét mềm mại, mang vẻ đẹp mượt mà, lành hiền, tinh tế, được thể hiện bằng những gam màu sở trường: tím, cận tím, xanh, xanh - tím kết hợp...
Có lẽ, điều này tác giả “Sắc màu cuộc sống” đã dự liệu, tuy nhiên, họa sĩ Chơn Hiền luôn thống nhất quan điểm: “Cuộc sống vốn đa dạng, thay đổi không ngừng, cái mới luôn được sinh ra, sao ta lại “đứng yên” chăm chăm vào một vài đề tài thế mạnh nào đó?!”. Tôi thì lại thấy, chia sẻ này cũng “hé lộ” kinh nghiệm của một họa sĩ 30 năm đã có 4 lần làm triển lãm cá nhân. Đem trao đổi này với họa sĩ Chơn Hiền, ông cười thừa nhận: “Lâu lâu mời khách thưởng lãm bữa tiệc tinh thần với những món ăn khẩu vị giống nhau, chưa xem đã biết tranh của họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền thì chán chết”!
Hóm hỉnh, và rồi họa sĩ Chơn Hiền cũng thẳng thắn tâm tư: “Trong khi nhiều người bảo tôi không nên sử dụng gam màu nóng, đó không phải là gam màu thế mạnh. Nhưng thực tế, hầu hết những giải thưởng cao tôi đạt được tại các kỳ Triển lãm mỹ thuật Khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên đều sử dụng gam nóng”. Có thể đơn cử: năm 2005 là giải B tác phẩm “Vượt lên nỗi đau”, năm 2009 là giải C (không có giải A) với tác phẩm “Trầm tích”. Tôi không cho phép mình bằng lòng với những gì đã có trong hiện tại, nên vẫn không ngừng dấn thân, tìm tòi hướng về phía trước... dẫu trước mắt, đó có thể không phải là sở trường, thế mạnh của mình”.
Có lẽ, họa sĩ Chơn Hiền không chỉ tin vào năng lực sáng tạo của bản thân vốn luôn nỗ lực vươn lên chinh phục những “nấc thang” trong nghệ thuật, mà hơn hết - làm đúng “chức trách” của một người làm công việc sáng tạo nghệ thuật: không ngừng đi tìm cái mới.
SAO LY