Mai Thìn với hồn cốt quê hương
Lâu nay, bạn đọc đã làm quen với Mai Thìn ở các thể loại thơ và nghiên cứu văn hóa dân gian. Mới đây, Mai Thìn đã cho ra mắt tập văn xuôi đầu tiên “Lá rụng buồn tênh” (Nxb Hội Nhà văn, 11.2015), với 30 bài tản văn, bút ký ngồn ngộn vốn sống làng quê.
Vốn liếng của Mai Thìn rất khá - 6 tập thơ và 2 công trình khảo cứu đã in thành sách. Nếu thơ và nghiên cứu văn hóa dân gian (VHDG) của Mai Thìn được biết đến với giọng điệu, tâm tình, phảng phất hình ảnh “làng ven thành”, nồng nàn chất “đồng quê”, thì với “Lá rụng buồn tênh”, cả hai đã cùng bay bổng.
Nỗi buồn hoài cổ…
“Lá rụng buồn tênh”, tên tập sách, cũng là tên một bài viết trong tập, đã nói được chủ đề xuyên suốt tập sách là nỗi buồn hoài cổ, nỗi buồn xa vắng trước những đổi thay của làng quê thời hiện đại. Thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con người có thể được nhiều về vật chất, tiện nghi, nhưng cũng mất nhiều về tinh thần.
Làm sao giữ cho được cái hồn cốt của làng quê trong thời hiện đại là tiếng gọi mà tác giả muốn cộng hưởng đến bạn đọc qua tập sách này bằng những câu hỏi không lời đáp, như: “Những bờ xe nước, những bến đò, những rặng tre… từng đi vào thơ ca nhạc họa, giờ biết tìm đâu. Biết tìm đâu một bến sông xanh trong cho tuổi nhỏ vẫy vùng thỏa thuê những ngày nắng nóng; tìm đâu những gốc đại thụ ven đồng cho con trâu cọ sừng, cho trẻ con trốn nắng, cho các mẹ, các chị nghỉ chân giữa buổi cấy cày” (Bãi soi ngày cũ).
Trừ bốn bài về phố thị Quy Nhơn, huyện đảo Lý Sơn, vùng cao Tây Bắc trong những lần du ký, còn lại các bài khác trong tập sách đều tập trung vào hồn quê, dù là “hồn quê trong phố”. Trong tập sách, tác giả đã trải lòng mình với “người, cảnh, tình, việc” ở quê nhà An Nhơn, Bình Định, đặc biệt là với những “người bạn” của thuở thiếu thời: “Cây mít hai thân”, “Quả thị quê nhà”, “Đời phản”, “Mong những cánh diều”, “Nhớ nón Gò Găng”; là chiếc võng, là những cột kèo xiên trính trong nhà lá mái, hay cả những đặc sản, những quà quê mà bây giờ chỉ còn trong ký ức: “Thèm một tán đường”, “Mẹ tôi ăn trầu”... Cả những vườn cải, bãi soi, cánh đồng, bến nước, dòng sông ở ngay cái làng Vĩnh Phú (thị xã An Nhơn) của Mai Thìn. Rồi những di tích lịch sử văn hóa: Văn Miếu, tháp Mẫm, Thành Hoàng Đế… hay những trò chơi, những nghề truyền thống (đan đát, làm nón, nấu đường, khép cối xay lúa…).
Thả “hồn quê” vào từng trang viết
Giọng văn rủ rỉ khi mô tả, đậm cảm xúc khi diễn đạt và giàu cứ liệu khi kiến giải đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn thấu đáo, cặn kẽ về những vấn đề mà tác giả muốn nói (“Đi tìm hình bóng tháp Mẫm”, “Dấu tích đền văn”, “Hát lễ hát bội Bình Định”, “Độc đáo nhà lá mái”…). Ở một số bài viết, Mai Thìn còn khéo léo lồng vào những bài thơ đi kèm với cảm xúc thực, dễ tạo sức thuyết phục cho người đọc. Như, viết về nghề nón và chợ nón Gò Găng, Mai Thìn không chỉ mô tả tỉ mỉ cách làm nón, những gian lao của nghề nón và chợ nón, mà còn có bài thơ “Chợ Gò Găng” khá thú vị.
Văn hóa làng quê miền Trung trở thành “đặc sản”, qua tài “tán chuyện” của Mai Thìn. Từ “Quả thị quê nhà”, tác giả “miên man” đến chuyện vui ở quê mình: “Diễn viên đóng vai Đổng Kim Lân lại trượt chân ngã lăn trên sân khấu, mặt đập vào thành ghế, máu mũi, máu miệng chảy ròng ròng khiến khán giả một phen hoảng hồn. Cú trượt chân ấy, tìm rõ nguyên nhân là bởi tại cái hột thị đứa nào ăn rồi ném lên sân khấu, để cho Đổng Kim Lân mang hia dẫm phải mà ngã lộn nhào…”, rồi lại bắt sang nói về lai lịch của nhà thờ Gò Thị to nhất miền Trung ở Tuy Phước: “Hồi ấy hẳn phải có một hay nhiều cây thị to tỏa bóng mát cho nhà thờ, cho những giáo dân đi lễ lấy chỗ mà trú nắng, trú mưa”, và quay về “nâng niu” những cây thị vài trăm tuổi ở thành Cha (An Nhơn), ở đình Cẩm Thượng (Quy Nhơn). Đấy là chưa nói đến đoạn tác giả kể cây thị ở làng Tri Thiện (vùng cảng thị Nước Mặn) đã góp phần… chống giặc, khi trên cây thị đó, “người ta treo những cái bồ đan bằng tre, bên ngoài cột những dải vải có màu sắc sặc sỡ để người từ xa có thể nhìn thấy” và nếu có địch đổ quân thì kéo bồ lên, báo hiệu cho mọi người biết.
Tản văn, bút ký của Mai Thìn mang đậm chất thơ. Chất thơ ấy đã thả cái hồn quê vào trong từng trang viết, cộng với những luận giải từng ngằn đã vẽ nên bức tranh quê hương anh với đủ hồn cốt, và luôn phảng phất một nỗi u hoài…
KHẢ XUÂN
Thích lắm khi đọc đến đoạn kết này: "Nội dung Chất thơ ấy đã thả cái hồn quê vào trong từng trang viết, cộng với những luận giải từng ngằn đã vẽ nên bức tranh quê hương anh với đủ hồn cốt, và luôn phảng phất một nỗi u hoài…" Mà còn muốn đọc nữa đây!