70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Quốc hội khóa VII (1981 - 1987), Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992)
Quốc hội khóa VII (1981 - 1987)
Quốc hội bầu ngày 26.4.1981, có 496 đại biểu. Quốc hội khóa VII đã bầu Hội đồng Nhà nước do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch; bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Quốc hội.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII, với 12 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành được 10 đạo luật và 35 nghị quyết; Hội đồng Nhà nước ban hành được 15 pháp lệnh. Ngoài các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước được ban hành mới theo Hiến pháp 1980, đáng chú ý là lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành Bộ luật hình sự (1985); Luật hôn nhân gia đình (1986), thể hiện bước phát triển đáng kể trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng, tập trung về các vấn đề quản lý kinh tế - xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã có bước cải tiến với việc tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn vào việc đánh giá những sai lầm, khuyết điểm về việc thực hiện chính sách giá - lương - tiền; đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục.
Ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình của các dân tộc, trong hoạt động đối ngoại, Quốc hội luôn tuân thủ nguyên tắc nhất quán, ủng hộ những sáng kiến hòa bình, bảo đảm an ninh chung của nhân loại.
Quốc hội khóa này, tỉnh Nghĩa Bình có 18 đại biểu.
Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992)
Quốc hội bầu cử ngày 19.4.1987, có 496 đại biểu. Đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, trong nhiệm kỳ 5 năm với 11 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật và Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Đáng chú ý là nhiều đạo luật quan trọng thể chế hóa chính sách kinh tế mới lần đầu tiên đã được ban hành, như Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), Luật doanh nghiệp tư nhân (1990) và Luật công ty (1990). Quốc hội còn ban hành các luật về thuế như: Luật thuế doanh thu, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế lợi tức, Bộ luật hàng hải, Luật hàng không dân dụng. Hội đồng Nhà nước đã ban hành hàng loạt pháp lệnh điều chỉnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội.
Tại kỳ họp thứ 5 (6.1989), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
Hiến pháp mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 (1992). Ngoài việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và tạo cơ sở pháp lý đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.
So với các nhiệm kỳ trước, cách bàn bạc và biểu quyết của Quốc hội khóa VIII được thực hiện dân chủ và cởi mở hơn, thể hiện được trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với cử tri cả nước.
(Còn nữa)