Lần đầu khai quật di tích thành Cha: Thành công ngoài mong đợi
Tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành Cha vừa được Sở VH-TT&DL tổ chức, các nhà chuyên môn thống nhất đánh giá kết quả khai quật là thành công ngoài mong đợi, vì ngay ở lần khai quật đầu tiên đã tìm thấy “chìa khóa” nghiên cứu.
Thành Cha (thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) được xếp hạng di tích quốc gia năm 2003. Được sự cho phép của Bộ VH-TT&DL, ngày 11.11 (năm 2015), Sở VH-TT&DL mà trực tiếp là hai đơn vị chuyên môn trực thuộc: Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Ban Quản lý di tích tỉnh - phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Khoa học xã hội) thực hiện cuộc khai quật đầu tiên đối với di tích này.
Hiện trường khai quật di tích thành Cha.
Nhiều phát hiện có giá trị
Chủ trì khai quật, PGS-TS Lại Văn Tới (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành) công bố báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thành Cha. Theo đó, trong phạm vi 440m2 khai quật đã phát hiện 3 lớp kiến trúc nằm chồng xếp lên nhau, từ dưới lên trên cũng là từ sớm đến muộn, kế thừa nhau và được sử dụng liên tục. Lớp kiến trúc 1 là một nền đền thờ có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, diện tích gần 65m2. Trung tâm nền kiến trúc là di tích hố thiêng, liên quan đến nghi lễ Sima ở đạo Bà-la-môn; Lớp kiến trúc 2 có mặt bằng rộng hơn, vẫn lấy hố thiêng làm trung tâm, dấu tích của lớp kiến trúc này là 1 rãnh nước, 4 đoạn tường gạch, 3 nền lát gạch; lớp kiến trúc 3 là hệ thống các hố sâu chứa đầy gạch vỡ và gạch vụn (giống với kỹ thuật gia cố móng trụ sỏi trong kiến trúc Đại Việt), xác định được 64 móng trụ gạch.
Đoàn khai quật cũng đã thu được tổng số 6.691 di vật, gồm nhiều chất liệu khác nhau: đất nung (gạch, ngói, trang trí kiến trúc, đồ sinh hoạt), đồ đá (vật liệu kiến trúc, chày nghiền), hiện vật kim loại (1 nhẫn vàng). Di vật đang trong quá trình phân loại, chỉnh lý và nghiên cứu so sánh.
Qua so sánh quy mô, mặt bằng kiến trúc, vật liệu xây dựng, đặc biệt là hình trang trí trên mặt đầu ngói ống với các di tích Trà Kiệu, Cổ Lũy, Thành Hồ, niên đại của di tích được nhận định có thể ở vào thế kỷ 4 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên. Về công năng, dựa trên các phát hiện về nền kiến trúc hình chữ nhật, di tích hố thiêng, di vật, đặc biệt kết hợp với một hiện vật quan trọng được người dân địa phương phát hiện năm 1992 là phù điêu bán thân tượng Kubêra (nữ thần tài lộc) mang phong cách của tượng thế kỷ X (hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh), đoàn khai quật đưa ra nhận định tại thành Cha có thể tồn tại kiến trúc đền thờ ở giai đoạn đầu khi khu vực này còn là thủ phủ của châu Vijaya.
Thông qua đợt khai quật, lần đầu tiên di tích thành Cha được đo vẽ bằng phương tiện và kỹ thuật hiện đại như: đặt hệ thống lưới tọa độ cục bộ cho toàn khu vực thành Cha, trong đó có hố khai quật; đo chiều dài, rộng của thành bằng máy trắc đạc, xác định kích thước của hệ thống đường nước hay hệ thống hào thành; quay phim, chụp ảnh di tích từ trên cao bằng máy Flycam.
Video: Khai quật thành Cha. Hoàng Phạm (thực hiện)
Cần tiếp tục khai quật thêm
Đánh giá về kết quả khai quật, PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện khảo cổ học, cho biết: “Ngay ở lần khai quật đầu tiên đối với một di tích thành cổ Chăm-pa, trên nền diện tích nhỏ hẹp, đoàn khai quật đã gặp ngay kiến trúc đền thờ và hố thiêng. Có thể gọi đây là một trong những sự kiện của ngành khảo cổ Việt Nam trong năm 2015”. Đồng ý với nhận xét này, các ý kiến của TS Lê Đình Phụng, TS Đinh Bá Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định) cũng cho rằng, kết quả lớn nhất, điều thành công nhất của đợt khai quật là đã tìm ra kiến trúc đền thờ mang tính chất tín ngưỡng của người Chăm-pa. Đây là “chìa khóa” cho những nghiên cứu tiếp theo về thành Cha.
“Hy vọng, những kết quả đầy thắng lợi như đánh giá của các nhà chuyên môn về đợt khai quật này sẽ thu hút sự quan tâm, chú ý, tạo thêm động lực để các nhà nghiên cứu, đơn vị nghiên cứu ở Trung ương tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về di tích này. Về phía địa phương cũng cần luôn tích cực tăng cường thực hiện chức trách quản lý Nhà nước về di sản” (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Đông Hải).
Bên cạnh việc đánh giá cao kết quả khai quật, Viện trưởng Viện khảo cổ học cũng bộc lộ quan điểm làm khoa học hết sức cẩn trọng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ di tích. PGS-TS Nguyễn Giang Hải đề đạt: “Đứng ở góc độ khoa học, chưa nên kết luận gì về thành Cha. Với đền thờ, hố thiêng cùng di vật thu được, trước mắt xem như chúng ta tìm ra đúng những thứ cần để phục vụ cho công tác nghiên cứu, còn để hiểu về thành Cha, cần thêm thời gian, thêm nhiều đợt khai quật nữa. Điều có thể làm ngay là phải giữ gìn những gì còn lại của thành Cha. Tốc độ phát triển dân sinh đi rất nhanh, trong khi việc giải mã khảo cổ thì mất rất nhiều thời gian. Cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường tuyên truyền và có biện pháp bảo vệ di tích, giữ được thành Cha thì việc nghiên cứu mới thuận lợi, rút ngắn thời gian nghiên cứu, tiết kiệm được kinh phí và cho ra kết quả chân xác nhất so với lịch sử”.
SAO LY