Cần thực chất!
Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa XI) về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016 là thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Đây là nhiêm vụ rất cần thiết và cấp bách vì bội chi ngân sách năm 2015 đã vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép khá cao, tình hình cân đối ngân sách năm 2016 nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh nguồn thu từ dầu thô và việc trả nợ ngày càng gây áp lực lên cân đối ngân sách sụt giảm, việc chi ngân sách cần có biện pháp tiết kiệm thật hiệu quả để bảo đảm cân đối ngân sách.Trong đó, đáng chú ý nhất là tiết kiệm trong chi tiêu công phải được ý thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là trong tình hình bội chi ngân sách lớn như hiện nay.
Mặc dù Chính phủ đã có chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, đề cập khá toàn diện trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên; quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; tiết kiệm chi 10% chi thường xuyên, trong đó tiết kiệm tối thiểu 12% chi cho hội nghị, hội thảo, cử cán bộ công chức đi công tác, tiếp khách, lễ hội; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào; thực hiện không tăng biên chế; nâng cao vai trò người đứng đầu…, nhưng thực tế ở nhiều nơi cho thấy các quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc.
Mới đây, dư luận lại dấy lên chuyện tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, nhưng thực chất là đi du lịch, cho một số cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ”. đó là chưa kể đến việc tổ chức lễ hội hoành tráng, một số dự án chưa thật cần thiết nhưng qui mô đầu tư rất “khủng” lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Các vi phạm kỷ luật ngân sách khác như mua sắm xe công, tăng biên chế bộ máy hành chính sự nghiệp… vẫn còn không ít vấn đề bức xúc.
Thực tế cho thấy, những quy định của pháp luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đầu tư công; những quy định về đấu thầu, mua sắm công... là các hành lang pháp lý đủ để thực hiện chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên khâu yếu vẫn là thực thi chưa tốt, chưa đúng nguyên tắc. Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực thi phải thường xuyên và kiên quyết xử lý sai phạm. Bên cạnh đó, việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, sự nêu gương của lãnh đạo; thực hiện công khai, minh bạch; tăng cường sự giám sát, xử lý nghiêm minh các sai phạm là đặc biệt quan trọng.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh để thực hành tiết kiệm, chống thất thoát lãng phí trong chi tiêu ngân sách đi vào thực chất, hiệu quả thì điều quan trọng nhất là phải thực hiện cho được “nói đi đôi với làm”, đánh giá bằng việc làm và kết quả thực tế chứ không chỉ là hô khẩu hiệu suông. Việc khắc phục tình trạng xin - cho, “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy hoành tráng” cũng là “việc cần làm ngay” để việc chi tiêu ngân sách nhà nước thực sự tiết kiệm và hiệu quả.
HẢI ĐĂNG