Ông “chánh tế” của dân
Ông Võ Cao Phong (ở thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình) là người viết và đọc các loại chúc văn, văn tế hay nức tiếng ở huyện Tây Sơn. Nhiều năm qua, ông được bà con tin tưởng mời làm chánh tế những dịp cúng tế, lễ lạt trong vùng.
Ông Phong xem việc chánh tế mình đang làm là tiếp nối “nghề” gia truyền của gia đình. “Nhờ có chút vốn liếng chữ nghĩa, lại ăn ở được lòng bà con xóm giềng nên ông nội và cha tôi thường được nhờ đảm trách vai trò chánh tế tại mỗi dịp cúng đình, miếu trong xóm, thôn. Từ nhỏ, tôi đã quen với hình ảnh các cụ tế lễ nên cách thức soạn thảo một bài văn tế, trình tự thực hiện nghi lễ… cũng tự nhiên ngấm vào người. Đến đời mình, được bà con địa phương tin tưởng, nhờ cậy, tôi luôn dốc sức góp những điều mình hiểu, biết vào việc chung của xóm làng”, ông Phong chân tình chia sẻ.
Từ khi chưa tròn tuổi 30, anh giáo làng Võ Cao Phong đã bắt đầu với công việc chánh tế, trong khi công việc này thường do các bậc cao niên phụ trách. Đến nay, tuổi trên 60, ông càng “chắc tay” để làm tốt công việc khá đặc biệt này. Trên vùng đất Tây Sơn quê ông, có khá nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như lễ cúng Yểng ông Văn Phong, thanh minh, lễ tế hiệp ở các dòng họ lớn, lâu đời như họ Trần ở Thuận Nghĩa, họ Đặng ở Mỹ Đức, họ Đặng và họ Võ ở Mỹ Thuận… Tại những dịp này, hầu như không vắng mặt ông Phong ở vai trò chánh tế hoặc người xướng văn.
Nhà thơ Trần Viết Dũng, ở huyện Tây Sơn, từng nhận xét: “Ngoài thông thạo cách thức tổ chức và trình tự nghi lễ những dịp cúng tế khác nhau, ưu điểm lớn nhất của anh Phong là có một giọng đọc chúc văn, văn tế rất truyền cảm, trang nghiêm. Tuy nghề nghiệp chỉ là người gõ đầu trẻ trước đây và là lão nông hiện tại, song anh Phong là người có kiến văn, yêu thích văn học, chuyên cần đọc sách. Điều này rất cần cho công việc chánh tế mà anh thường đảm nhiệm”.
Từ quan niệm xa xưa, trong bất kỳ hoạt động cúng tế, lễ lạt nào, người tham gia vào ban tế lễ - đặc biệt là chánh tế, phó tế - đều được chọn lựa kỹ càng, thường là bậc cao niên, sống chuẩn mực, được cộng đồng dân cư quý mến, có gia đạo yên ấm. Với ông Phong, để không phụ lòng tin tưởng của bà con địa phương, ông cùng vợ - bà Đặng Thị Ý Nhi, luôn nêu gương trong giữ gìn nếp nhà và nuôi dạy các con nên người. Ông bà có 2 con trai, 1 con gái, đều tốt nghiệp đại học và có công việc, yên bề gia thất.
Ông Huỳnh Ngọc Bân, Trưởng thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình, cho biết: “Ông Võ Cao Phong là người sống rất tình nghĩa và hết lòng với bà con xóm làng, gia đình cũng rất êm ấm. Năm nào các xóm trong thôn cúng thanh minh cũng nhất trí mời ông làm chánh tế vì ông trí sáng, tâm trong. Có vốn liếng chữ nghĩa, ông luôn sẵn lòng, nhiệt tâm đóng góp vào mọi việc lớn, nhỏ mà địa phương cần đến”.
Ông Phong tâm sự: “Mỗi lần tham gia vào ngày cúng thanh minh hay lễ tế hiệp, tôi lại thấy bồi hồi, ấm áp. Tôi nhận ra trong sự đoàn kết, sẻ chia, quây quần, đoàn viên ở một cộng đồng dân cư, một đại gia đình là sợi dây vô hình gắn kết, níu giữ tình cộng đồng, tình thân. Khi có dịp, sự gắn kết ấy càng thể hiện rõ, phát huy hơn. Tôi vui vì được đóng góp cho xóm làng mình…”.
SAO LY