600 Phó Chủ tịch xã đã có “đầu ra”
Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã chuẩn bị 3 phương án cụ thể để bố trí việc làm cho 600 đội viên trí thức trẻ sau khi dự án kết thúc.
Câu chuyện “tắc đầu ra” của Dự án 600 Phó chủ tịch xã được báo chí phản ánh trong thời gian qua đã có hướng bố trí, sử dụng. Trả lời phóng viên Đài VOV, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã chuẩn bị 3 phương án cụ thể để bố trí việc làm cho 600 đội viên trí thức trẻ sau khi dự án kết thúc.
PV: Thưa ông, dư luận thời gian qua đặc biệt quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp việc làm cho các Phó Chủ tịch xã khi Dự án sắp kết thúc. Câu chuyện “đầu ra” cho các Phó Chủ tịch xã tình nguyện đang là thực tế đáng quan tâm ở nhiều địa phương hiện nay. Vậy Bộ Nội vụ đã có hướng giải quyết như thế nào?
Ông Vũ Đăng Minh: Hướng bố trí sử dụng Phó Chủ tịch xã trong thời gian tới, theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, mỗi xã loại 3 chỉ bố trí 1 Phó chủ tịch. Do vậy, để đảm bảo mỗi đội viên được tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc vào tháng 7/2017, Bộ Nội vụ đã tham mưu và có văn bản báo cáo Thủ tướng để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến. Về nguyên tắc, đối với các xã đang thực hiện dự án tiếp tục được bố trí 2 Phó chủ tịch xã, trong đó có 1 Phó chủ tịch xã là đội viên của dự án.
Thứ hai, Bộ Nội vụ sẽ bố trí sử dụng từ nay đến khi kết thúc dự án. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những em nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì căn cứ nhu cầu, các địa phương bố trí các vị trí công tác khác cho phù hợp trình độ, phẩm chất, năng lực. Số còn lại sau khi kết thúc dự án, tỉnh có trách nhiệm bố trí đội viên dự án vào vị trí công tác từ cấp xã đến cấp huyện, đảm bảo nguyên tắc những đội viên nào hoàn thành nhiệm vụ đều được xem xét, bố trí công tác phù hợp với phẩm chất, năng lực.
PV: Ông vừa đề cập đến vấn đề cấp thêm 1 biên chế đặc thù cho dự án. Như vậy có làm tăng biên chế tại các địa phương hay không và điều này có hợp lý không khi chúng ta đang quyết liệt tinh giản biên chế?
Ông Vũ Đăng Minh: Tăng cho địa phương không ảnh hưởng biên chế địa phương. Theo quyết định 08 ngày 26.1.2011 của Thủ tướng Chính phủ thì các đội viên dự án thuộc biên chế nhà nước. Phương án bố trí là những địa phương còn biên chế mà chưa sử dụng hết thì lấy biên chế đó bố trí đội viên vào.
Phương án 2 là những tỉnh đã sử dụng hết biên chế còn lại thì sử dụng Nghị quyết 39 và Nghị định 08 của Chính phủ về tinh giảm biên chế theo nguyên tắc ra 2 vào 1, khi tuyển mới ưu tiên tuyển đội viên dự án. Phương án 3, nếu cả 2 phương án trên không thực hiện được thì Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ điều chỉnh trong tổng biên chế chung của cả nước.
PV: Thưa ông, qua rà soát biên chế tại các tỉnh tham gia dự án, số lượng còn nhiều không, liệu đáp ứng bao nhiêu % biên chế cho đội viên dự án?
Ông Vũ Đăng Minh: Mỗi tỉnh bình quân vài ba chục Phó Chủ tịch, đông nhất là tỉnh Hà Giang và Thanh Hóa, còn các tỉnh có 15 đến 20 Phó Chủ tịch, có những tỉnh chỉ khoảng 7 đến 10 Phó Chủ tịch. Số đó so với tổng biên chế chung của toàn tỉnh không vấn đề gì. Vì nhiều tỉnh, số biên chế còn sử dụng chưa hết.
Thứ hai, chúng ta thực hiện tinh giảm biên chế, đây chính là cơ hội bổ sung nguồn biên chế những người đủ tiêu chuẩn quy định cán bộ công chức. Đây là trách nhiệm sử dụng vì Chính phủ đã tăng cường nguồn lực cho các địa phương để bố trí sử dụng hiệu quả. Trong quá trình các em thực hiện ở xã 5 năm, đúng theo tiêu chuẩn điều kiện Luật Cán bộ công chức khi đủ 5 năm thì là điều kiện quan trọng để xem xét, tuyển dụng vào các vị trí công chức trong hệ thống chính trị.
Ngoài ra, các em có 5 năm công tác gắn bó với địa phương và nguyện vọng tha thiết của các em là mong muốn công tác lâu dài cho cơ sở đó là điều kiện rất mừng, không phải sau 5 năm các em xin về thành phố mà các em muốn tiếp tục công tác cơ sở. Như vậy, đây là cơ hội để cơ sở có điều kiện tuyển chọn bố trí sử dụng được người đủ trình độ, phẩm chất năng lực trong việc phục vụ nhân dân.
PV: Thời gian tới, Bộ Nội vụ có những đề án tạo sức bật nào cho nông thôn vùng sâu, vùng xa, tăng cường nhân lực là thanh niên cho những vùng khó?
Ông Vũ Đăng Minh: Hiện nay, Bộ Nội vụ đang được Chính phủ giao triển khai tiếp tục đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi. Đây là đề án tương tự đề án 600 Phó chủ tịch xã với cách thức tuyển chọn như nhau nhưng khác về vị trí công tác. Các em về làm 5 chức danh chuyên môn gồm: văn phòng thống kê, địa chính nông nghiệp, xây dựng môi trường, tài chính kế toán, tư pháp hộ tịch và văn hóa xã hội.
Hiện nay, được gần 2 năm nhưng nhiều em được địa phương đề nghị cho chuyển công chức chính thức và tới đây nhiệm kỳ bầu Hội đồng nhân dân, nhiều em có quy hoạch vào các vị trí công tác. Qua đây, các em khẳng định chuyên môn của mình tốt, tăng nguồn nhân lực địa phương, đồng thời là cơ hội rèn luyện và trưởng thành.
Nhiều em khi tốt nghiệp Đại học ra trường tập huấn 3 tháng rất lúng túng nhưng khi về địa phương lăn lộn 3-6 tháng các em trưởng thành nhanh vì các em có thực tiễn va chạm với đồng bào, công việc văn bản, chính sách, các em là người trực tiếp truyền đạt. Đến nay, nhiều em người Kinh đã có thể nói 2-3 thứ tiếng dân tộc, đó là sự thành công vì không nói tiếng đồng bào thì đến làm việc với đồng bào rất khóc. Đây là môi trường rèn luyện tri thức trẻ.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo Lại Hoa (VOV)