Trại sáng tác văn học thiếu nhi tỉnh Bình Định lần 1: Một số ghi nhận ban đầu
Tuy thời gian tổ chức khá ngắn ngủi (từ ngày 17 đến 20.12) nhưng Trại sáng tác văn học thiếu nhi tỉnh lần 1 thật sự là “chất xúc tác” để 70 trại viên chuyển những ý tưởng ấp ủ bấy lâu hay cảm xúc bất chợt thành những tác phẩm văn học. Và, trong số 69 tác phẩm văn xuôi cùng 56 bài thơ - sáng tác thu được từ trại viết, tác giả Phan Lê Bảo Hân với truyện ngắn “Người bán mặt trời” được đánh giá là phát hiện ngoài mong đợi.
1.
Trại sáng tác văn học thiếu nhi được Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Hội VH-NT tỉnh phối hợp tổ chức lần đầu năm nay có sự tham gia của 70 trại viên là học sinh giỏi môn Văn và có năng khiếu sáng tác đến từ các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Ban tổ chức bố trí trại viên ăn, ở tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bình Định (đường Điện Biên Phủ, TP Quy Nhơn) - một nơi yên tĩnh, có không gian thiên nhiên, phù hợp cho việc sáng tác văn chương.
Phan Lê Bảo Hân (ngoài cùng bên trái) cùng cô giáo và các bạn trong đoàn TP Quy Nhơn tham gia Trại sáng tác.
Trong thời gian dự trại viết, trại viên được giao lưu cùng các nhà thơ, nhà văn trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm sáng tác, tham quan Đàn tế Trời Đất, Nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc…, làm khán giả tại chương trình thơ - nhạc tưởng niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu, các hoạt động bên lề này cũng phát huy tác dụng tiếp thêm cảm xúc sáng tác cho trại viên…
Theo đánh giá của Ban tổ chức, tác phẩm ra đời từ trại viết, gồm 69 sáng tác văn xuôi (ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, tự truyện…) của 64 tác giả cùng 56 bài thơ của 36 tác giả, chủ yếu lấy đề tài về cha, mẹ, thầy cô giáo, quê hương; chứa đựng tình cảm, cảm xúc chân thành của người viết; văn phong thể hiện trong sáng, đúng với lứa tuổi.
2.
Ở mảng văn xuôi, những cây bút tiềm năng có thể kể đến: Nguyễn Thị Thanh Hồng với truyện “Gia đình hạnh phúc” và Hồ Đức Sơn Tuyền với truyện “Kẻ bỏ lại giấc mơ” (hai giải Nhì), Lê Vương Mỹ Giang với truyện “Ước mơ nho nhỏ” (giải Ba) và Trần Thị Thơ với truyện “Người miền biển” (giải Ba)… Điểm chung ở những tác giả này là biết tạo tình huống truyện - một yêu cầu khó trong sáng tác truyện ngắn, đồng thời cách diễn đạt có dấu ấn riêng, nội dung tác phẩm chứa đựng tinh thần vượt lên nghịch cảnh và tin yêu cuộc sống.
Mảng thơ, đề tài thu hút trại viên sáng tác là về gia đình, quê hương, trường lớp và những cảm xúc ở lứa tuổi học trò hồn nhiên, trong trẻo. Thể loại này ghi nhận tiềm năng của những trại viên ở An Lão, Tây Sơn. Huyện An Lão tham gia 5 trại viên, trong đó 2 trại viên có tác phẩm tham gia mảng thơ đều đạt giải cao, đáng kể là chùm 3 bài thơ “Nắng gọi”, “Tri kỷ”, “Bên đầm Thị Nại” của Đỗ Hồng Quân (lớp 9A1, trường THCS An Tân) được Hội VH-NT tỉnh trao giải Nhất. Huyện Tây Sơn có 4/5 học sinh tham gia tác phẩm mảng thơ có giải, đặc biệt cả 3 học sinh trường THCS Võ Xán tham gia mảng này đều “rinh” giải.
Bên cạnh thành công nổi bật, một số tác phẩm từ trại viết cũng không tránh khỏi hạn chế mà Ban tổ chức đã sớm hình dung, đó là một số trại viên chưa vượt thoát khỏi vị trí của học sinh giỏi Văn để thành cây bút sáng tạo văn chương. Nghĩa là, những điều được nói đến trong một bộ phận sáng tác tuy chân thành, xúc cảm nhưng đề tài, nội dung thiếu tính điển hình, khái quát, sự thể hiện thiếu dấu ấn sáng tạo nên chưa đọng lại, nâng lên thành nghệ thuật…
Trong số 70 cây bút thiếu nhi đã đến với Trại sáng tác văn học thiếu nhi tỉnh Bình Định lần 1, Ban tổ chức hết sức vui mừng phát hiện ra “ngôi sao lạ” Phan Lê Bảo Hân (lớp 9A2, trường THCS Đống Đa, Quy Nhơn) - người đoạt giải Nhất mảng văn xuôi. Truyện ngắn “Người bán mặt trời” của Phan Lê Bảo Hân đã gây ngạc nhiên cho Ban giám khảo từ cấu trúc, ngôn từ và nhất là ý tưởng truyện. Khung cảnh truyện ở một bệnh viện, qua nhân vật kể chuyện “tôi”, hiện lên cuộc “bán mặt trời”, “mua ước mơ” của hai bệnh nhân: cậu bé sáng mắt có thể trạng mong manh vì căn bệnh tim bẩm sinh và cô bé có sức sống khỏe mạnh nhưng bị mù. Cậu bé trước khi qua đời vì căn bệnh tim đã trao ước mơ được nhìn thấy mặt trời cho cô bé mù. “Đó là một chỉnh thể văn chương đầy sáng tạo vượt khỏi tầm tuổi tác giả. Phải khi gặp trực tiếp tác giả, Ban giám khảo mới thật sự yên tâm và vui mừng trước một cây bút còn quá trẻ đã đọc nhiều và viết được tác phẩm ấn tượng như vậy. Phan Lê Bảo Hân là phát hiện ngoài mong đợi của Trại sáng tác!”, nhà văn Lê Hoài Lương (giám khảo mảng văn xuôi) cho biết.
3.
Tại buổi bế mạc Trại sáng tác văn học thiếu nhi tỉnh Bình Định lần 1 diễn ra chiều 20.12, tâm trạng các trại viên thật “mâu thuẫn”. Một mặt, các em sốt ruột muốn về nhà vì ngay ngày hôm sau là phải thi học kỳ những 3 môn, một mặt lại nấn ná, tiếc nuối như muốn kéo dài thời gian dự trại viết. Đi trại viết văn nhưng trại viên vẫn phải mang theo sách vở để ôn bài thi học kỳ hoặc “xin” Ban tổ chức gia hạn thêm giờ nộp để hoàn thành sáng tác… là vài điểm đáng tiếc xảy ra ở sân chơi được đánh giá là rất cần thiết, bổ ích này. Thời gian tổ chức dài ngày hơn, chọn thời điểm phù hợp hơn (cho trại viên), và cả điều kiện ăn ở, sinh hoạt chu đáo hơn… là điều Ban tổ chức cần rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau.
SAO LY