ĐỌC SÁCH:
Hương đồng cỏ nội trong “Đất thở ”
“Đất thở” (Nxb Hội Nhà văn, quý IV- 2015) là tập thơ thứ hai (sau “Suối tạnh”) của Nguyễn An Đình (tên thật Nguyễn Văn Chín, sinh năm 1947, hiện sống ở thị xã An Nhơn). Nói đến Nguyễn An Đình, mọi người nhớ ngay đến bài thơ “Ăn cá nướng uống rượu giữa đồng” đã làm nên “bản sắc” thơ ông: “Em đốt lửa giữa cánh đồng khô rạ/ Anh sát sinh vài con cá rô đìa/ Ngồi nhấm nháp cho đã mồ đã mả/ Mây núi này bay qua chóp núi kia”. Nguyễn An Đình là một nông-dân-thi-sĩ.
Thật vậy, mùi rơm rạ, chất hương đồng cỏ nội, nếp nhà tranh, thú vui, món ăn dân dã và tình quê… đã lắng đọng trong từng trang thơ ở “Đất thở”. Chỉ cần điểm tựa của những bài thơ không thôi cũng thấy rõ điều đó. Nào là Mót lúa, Nghe bờ tre nghiến, Mở ách… Nào là Bài ca kéo nhá, Trồng cúc, Mắm cua đồng, Vườn cà… Rõ là cái hương vị, thú vui ấy thị thành làm sao có: “Xúm xít chiều nay cá đốt đồng/ Món ăn dân dã bữa nhà nông/ Hỏi người vui chốn nhà hàng phố/ Còn nhớ quê nhà khói bếp trông?” (Cá đốt đồng).
Tình của Nguyễn An Đình trong tập thơ vẫn là tình quê, chân chất mà sâu nặng. Ông dành nhiều tình cảm của mình cho bà mẹ quê (Mẹ xoáy trầu; Nghe cuốc kêu nhớ mẹ), cho người bạn đời (Tặng hiền thê) và cho cả bạn bè, cả đang sống và đã khuất (Lặng buồn; Ngõ quê; Mai còn hẹn gặp). Thậm chí, gặp một người đồng hương tha hương cầu thực giữa phố thị, lại gợi ông nhớ, nghĩ đến quê nhà: “Tôi đang phiêu dạt trên đàng/ Gặp người cửa chợ- nhớ làng quá thôi” (Gặp đồng hương ở chợ Gò Vấp).
Hơn 160 bài thơ, hầu hết là tứ tuyệt, lúc lục bát, lúc thất ngôn Đường thi, câu thơ của Nguyễn An Đình bình dị như hơi “đất thở”, vậy mà lắng sâu, làm người đọc mãi bâng khuâng, da diết nhớ về một miền quê mà ai cũng có… “Nhìn trời thấy đất bao la/ Ngó quanh rồi cũng thiết tha xóm làng” (Thôi đành).
KHẢ XUÂN